Đô thị

Đô thị Hà Nội: Nhận diện thương hiệu từ bản sắc kiến trúc

Khánh An 15/01/2024 - 06:25

Theo kế hoạch thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được UBND thành phố ban hành, khu vực đô thị Hà Nội phát triển kiến trúc hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử.

kien-truc-1.jpg
Việc bảo tồn di sản công trình đô thị là cơ sở phát huy những giá trị bản sắc kiến trúc đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lê Thắng

Di sản đô thị từ quỹ kiến trúc

Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đánh giá, di sản kiến trúc thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên tài sản đô thị và định hình hình ảnh Thủ đô. Di sản này bao gồm sự hiện diện đầy đủ các loại hình kiến trúc mà mỗi đô thị hiện đại sở hữu, hệ quy hoạch đường phố - ô phố vừa đặc trưng cho đô thị thời thuộc địa, vừa là sự nối kết uyển chuyển mô hình phố thị Á Đông và mô hình đô thị phương Tây. Nền kiến trúc, từ các công trình chính thống đến các căn biệt thự hàng phố, với sự đa dạng về phong cách và quy mô, trong sự hòa đồng tạo nên vẻ sang, đẹp riêng biệt và bền cho thành phố.

Kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia nêu quan điểm, với Hà Nội - đô thị đặc biệt 1.000 năm văn hiến, việc xác lập bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô lịch sử nói riêng và toàn đô thị nói chung sẽ góp phần xây dựng thương hiệu của đô thị. Đồng thời, định hướng này cũng trở thành tiền đề để phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của Thủ đô cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

“Về nguyên tắc chung, các yếu tố căn bản tạo lập nên bản sắc đô thị gồm đồng bộ các yếu tố như môi trường, cảnh quan tự nhiên; sự tích tụ hoặc cấu trúc văn hóa của người dân đô thị; lịch sử phát triển; đặc điểm không gian; đặc điểm hình thức và hình ảnh; cấu trúc vật chất và chức năng; cơ cấu kinh tế - xã hội; phong cách sống và chất lượng cuộc sống; môi trường xã hội và các mối quan hệ xã hội của thành phố; cấu trúc, hình thái đô thị”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương phân tích.

Song hành nhiều nội dung trụ cột

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hà Nội cùng cả nước đã và đang đứng trước vận hội phát triển mới của thời kỳ công nghiệp lần thứ tư, với số hóa, công nghệ số, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo. Vì thế, thành phố cần phải đưa công nghệ mới vào quản lý Quỹ Di sản kiến trúc đô thị. "Để Hà Nội là thành phố văn hóa - văn minh, hiện đại, thông minh và giàu bản sắc, trước hết phải nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản, cảnh quan thiên nhiên cho cộng đồng dân cư, cho xã hội", ông Phạm Thanh Tùng nêu.

kien-truc-2.jpg
Khu phố cổ Hà Nội mang nét kiến trúc riêng của kinh đô Thăng Long. Ảnh: Phúc Nguyễn

Nhằm tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố. Đối với khu vực đô thị, một số giải pháp cụ thể được đưa ra là nghiên cứu ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm đạt được tiêu chí “kiến trúc xanh”, từng bước tạo dựng không gian cảnh quan thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên; bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc phù hợp với định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Đồng tình với định hướng và các giải pháp nêu trên, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương khái quát, để xây dựng bản sắc kiến trúc Thủ đô Hà Nội cần thực hiện song hành 5 nội dung trụ cột, bao gồm phát triển Thủ đô Hà Nội với kiến trúc hiện đại trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, vật liệu, hình thức kiến trúc mới nhưng có bản sắc và tính nhận diện riêng trên cơ sở kế thừa các giá trị kiến trúc, văn hóa bản địa. Kiến trúc trong quá trình quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý không gian công trình kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại.

Ngoài ra, các khu vực đô thị hiện hữu cần được xây dựng đồng bộ và tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhưng có sự hài hòa và thống nhất với các điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, đồng thời thiết lập được tính nhận diện theo vùng miền đặc trưng trên cơ sở kế thừa các giá trị kiến trúc - cảnh quan đô thị truyền thống. Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, đặc biệt là hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị sẽ làm cơ sở phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc đặc trưng vùng miền.

“Các nội dung trên sau khi xây dựng thành các kế hoạch cần tiếp tục được cụ thể hóa trong các nội dung quy định, quy chế quản lý kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc 2019 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị Hà Nội: Nhận diện thương hiệu từ bản sắc kiến trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.