Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hướng mang tầm thời đại

Minh Nguyên| 02/09/2014 07:18

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác nhiều vấn đề mang tính quyết định đối với cách mạng Việt Nam và nhiều vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới. Với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương và phát triển kinh tế biển, Người đã có những định hướng sáng suốt với tầm nhìn vượt thời đại.


Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã phải đối mặt với vô vàn thách thức: Nhân dân lầm than, kinh tế suy kiệt, các thế lực đen tối trong nước câu kết với giặc ngoài tìm mọi cách lật đổ chính quyền non trẻ, thực dân Pháp lại lăm le xâm chiếm đất nước ta một lần nữa... Trong khó khăn chồng chất, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bộc lộ ở tầm cao với việc vạch ra những đường lối chiến lược đưa đất nước vượt qua thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Tháng 12-1946, Người viết “Lời kêu gọi Liên hợp quốc”, trong đó khẳng định: Trong cuộc đấu tranh vì những quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho một sự nghiệp chung: đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông. Việc đặt cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với một sự nghiệp chung bảo đảm an ninh cho toàn khu vực cho thấy tầm bao quát rộng lớn và trí tuệ mẫn tiệp của Người.

Thực hiện lời Bác dạy, Hải quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Trọng Thiết


Chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế của “biển bạc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 3-1961, thăm vùng biên giới, hải đảo Đông bắc của Tổ quốc, cùng cán bộ địa phương, bộ đội hải quân đến hang Đầu Gỗ (đảo nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long, nơi quân dân nhà Trần đã vót hàng nghìn cọc gỗ cắm xuống sông Bạch Đằng đánh giặc Nguyên xâm lược), Người chỉ rõ: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Người nói với bộ đội hải quân: Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Đây không chỉ là sự quan tâm của Người với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo mà Người còn khẳng định vị trí vai trò của Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, kẻ thù xâm lược có thể sử dụng các khí tài quân sự hiện đại, những vũ khí có độ chính xác cao, sát thương lớn, do vậy, Người căn dặn bộ đội hải quân phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, sử dụng tốt trang bị hiện có. Người cũng đặc biệt lưu ý việc phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy địa hình hiểm trở làm điểm tựa… để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù có tiềm lực quân sự hiện đại và âm mưu thâm độc. Người nói: Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên...

Tháng 5-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Người căn dặn cán bộ và nhân dân trên đảo: Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ. Tháng 11-1962, thăm một căn cứ của bộ đội hải quân cũng ở tại Quảng Ninh, Người nói: Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, cổ vũ tinh thần yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương, của quân và dân trên các đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch hướng xây dựng các đảo thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp của Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Kính yêu Người, nhân dân đảo Cô Tô xin được dựng tượng Người và được Người đồng ý. Nhìn trên bản đồ, có thể thấy đảo Cô Tô giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên đảo tiền tiêu mãi mãi nhắc nhở các thế hệ người Việt hướng ra Biển Đông, nơi cha ông đã đổ máu xương để khai thác nguồn lợi và khẳng định chủ quyền, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam gắn với việc khai thác nguồn lợi kinh tế và bảo đảm an ninh, an toàn và thịnh vượng cho khu vực Biển Đông là điểm xuyên suốt trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là định hướng mang tầm thời đại. Khi Biển Đông đang là tâm điểm của dư luận quốc tế với những lời cảnh báo về nguy cơ xung đột, đọc lại những lời căn dặn của Người, nhìn lại những định hướng của Người từ hàng chục năm trước, chúng ta cảm thấy thấm thía hơn, nhận rõ hơn tầm cao trí tuệ của Vị lãnh tụ cách mạng - Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh. Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo là cách thiết thực nhất để thực hiện ước nguyện của Người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng mang tầm thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.