Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hình chính sách tương lai

Minh Hiếu| 17/12/2017 07:53

(HNM) - Nhiều chủ đề nóng liên quan mật thiết tới việc định hình chính sách tương lai đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong hai ngày 14 và 15-12.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh Lục địa già đang phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức.


Đúng như dự đoán của giới quan sát, bất đồng giữa các nước Đông Âu và Tây Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư - vốn là vấn đề gây chia rẽ các thành viên EU trong suốt hơn một năm qua - vẫn chưa thể thu hẹp tại hội nghị này. Một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc nhận định, chương trình tái phân bổ người nhập cư là không hiệu quả và gây chia rẽ.

Song, Đức và một số nước Tây Âu cho rằng đây là biện pháp cần thiết thể hiện tình đoàn kết của Châu Âu và san sẻ gánh nặng với các nước "tuyến đầu" tiếp nhận người tị nạn là Hy Lạp, Italia. Sau quá trình thảo luận gay gắt, lãnh đạo các nước Đông Âu vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch người nhập cư và chỉ đạt được đồng thuận rộng rãi trong việc tăng cường đường biên giới ngoài EU thông qua các thỏa thuận hợp tác với một số nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Libya.

Liên quan tới Brexit, Hội nghị Thượng đỉnh lần này được đánh giá là cơ hội thúc đẩy đàm phán Brexit giai đoạn hai, đặc biệt là sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn" một tuần trước đó. Quá trình này được xem xét dựa trên việc đánh giá giai đoạn một của đàm phán Brexit và sự đồng thuận trên 3 hồ sơ chính gây tranh cãi, bao gồm đường biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland; quy chế của người lao động nước ngoài tại Anh và khoản tiền mà London phải trả cho EU khi rời khỏi khối này.

Tại hội nghị, lãnh đạo 27 quốc gia EU đã đồng ý chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đàm phán Brexit và xác định quan hệ EU - Anh trong tương lai với trọng tâm là quan hệ thương mại, trong khi chờ đợi văn bản sau cùng về kết quả đàm phán giai đoạn một sẽ được công bố vào tháng 10-2018.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đã ra mắt Cấu trúc hợp tác thường trực về quân sự (PESCO), được coi là hình mẫu chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy phát triển các dự án quân sự và năng lực quốc phòng chung của Châu Âu. Hiện có nước Anh (chuẩn bị rời khỏi khối vào năm 2019), Đan Mạch và Malta không tham gia vào PESCO.

Ngoài ra, hội nghị xem xét những tiến bộ đạt được trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là hoạt động hợp tác giữa EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế về năng lượng, quốc phòng và tài chính đối với Nga đến giữa năm 2018.

Bên cạnh đó, kế hoạch cải tổ Châu Âu đầy tham vọng theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chưa đạt được bước tiến đáng kể. Thủ tướng Đức Angela Merkel - một trong những người ủng hộ mạnh mẽ và góp phần tạo sức nặng cho kế hoạch này vẫn chưa thể bảo đảm được vị trí lãnh đạo quốc gia của mình. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp E.Macron bày tỏ hy vọng có thể đạt được tiến triển với Đức về ý tưởng cải cách Eurozone vào tháng 3 năm sau.

Các chuyên gia nhận định, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh EU cho thấy giữa hàng loạt bất đồng còn tồn tại, các nhà lãnh đạo liên minh này vẫn đang nỗ lực nhằm thể hiện sự đoàn kết, thống nhất để giải quyết ổn thỏa những vấn đề quan trọng khi cùng sống dưới một “mái nhà chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hình chính sách tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.