Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều kiện tiên quyết

Đan Nhiễm| 28/05/2019 06:25

(HNM) - Quản lý đất đai đang là vấn đề “nóng”. Vì thế, trên diễn đàn Quốc hội ngày 27-5, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.


Kết quả giám sát cho thấy, về cơ bản việc triển khai chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay đã từng bước đi vào nền nếp. Nguồn lực quỹ đất đã phát huy, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội…

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu nhiều bất cập liên quan đến thực thi Luật Đất đai năm 2013, các chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Đáng chú ý, tình hình đơn, thư khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn, thư khiếu nại (trên 60%). Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ thêm những vấn đề cụ thể, như: Tình trạng chậm triển khai dự án, để đất hoang hóa; việc rà soát dự án treo, quy hoạch treo; việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi; việc giao đất, cho thuê đất; việc sử dụng đất sau cổ phần hóa…

Từ thực tiễn, kết quả công tác giám sát của Quốc hội và đặc biệt qua nội dung thảo luận của các đại biểu Quốc hội, rõ ràng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Trước hết, đó là việc tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 31-10-2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) "Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013; đồng thời tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, góp phần phát hiện, kiến nghị, xử lý các tồn tại, vi phạm về đất tại đô thị.

Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, các địa phương, doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất. Về lâu dài, hệ thống các công cụ tài chính kinh tế đất cần được hoàn thiện, lành mạnh hóa, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

Để tránh thất thoát tài sản là đất công, phải xây dựng cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về đất đai. Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng cần đẩy nhanh việc ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai khi thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng theo hình thức đầu tư - chuyển giao (BT). Bởi kết quả kiểm toán thời gian gần đây cho thấy, vấn đề này đang thiếu căn cứ pháp lý và khi bị “tuýt còi” thì hàng loạt dự án lập tức bị đình trệ, gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, cần kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại “vùng lõi” các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực dự án theo quy hoạch được phê duyệt.

Quan trọng hơn là 9 giải pháp Chính phủ đã đề ra phải được thực hiện nghiêm túc.

Đất đai luôn là một vấn đề nhạy cảm, có tính lịch sử. Khi giải quyết các vấn đề về đất đai cần xem xét một cách toàn diện, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vừa phải bảo đảm ổn định chính trị. Đó là điều kiện tiên quyết trong mọi hoàn cảnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện tiên quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.