Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều không ai muốn xảy ra

Hà Anh| 13/08/2021 14:48

(HNMCT) - Sáng nay, lúc ra khỏi nhà để đến cơ quan tôi gặp một thanh niên đi xe máy đang định rẽ vào khu dân cư nơi tôi ở, khi thấy chốt kiểm soát người này liền quay xe bỏ chạy. Nhìn chiếc mũ bảo hiểm không hợp quy cách, gương mặt “trẻ trâu” không đeo khẩu trang, tôi thầm hỏi sự thể sẽ ra sao nếu không có những chốt bảo vệ “vùng xanh” -  những “lá chắn cộng đồng” như thế này?

Bên cạnh những diễn biến nóng của dịch bệnh, một loại thông tin khác cũng thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua, đó là chuyện “thông chốt”. Không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Quảng Nam hay Hải Dương, Quảng Ninh, Sơn La… mà ngay giữa Thủ đô cũng xảy ra không ít. Không chỉ tìm cách đi qua chốt, trạm kiểm soát phòng dịch, nhiều đối tượng còn thể hiện bất hợp tác, thậm chí lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng khi ý định bất thành. Đơn cử như tối 6-8 mới đây, một thanh niên hành nghề shipper (người giao hàng) tự do khi bị chốt kiểm soát trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) yêu cầu dừng lại đã cố tình tông xe, gây thương tích cho một cảnh sát. Cũng liên quan đến “thông chốt”, Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã ra quyết định xử phạt đôi vợ chồng có hành vi chống đối, gây rối trật tự ở chợ Yên Phụ chiều 28-7 với mức phạt 3 triệu đồng/người. Mạng xã hội mấy ngày trước cũng lan truyền clip ghi hình một người cao tuổi dắt xe đạp dáng vẻ “đức cao vọng trọng” nhưng ứng xử lại rất khó coi khi lực lượng chức năng yêu cầu chứng minh sự cần thiết phải ra đường trong thời điểm giãn cách xã hội…

Có vẻ như giãn cách xã hội khiến nhiều người cảm thấy bức bối và họ phải bằng mọi cách để ra đường bằng được, kể cả sẵn sàng “thông chốt”, bất chấp các quy định về phòng, chống dịch, bất chấp lợi ích cộng đồng. Đáng nói, ngoài những đối tượng trực tiếp vi phạm như trên, còn có những kiểu “thông chốt” tinh vi, “hợp lý” hơn. Có những người được cấp giấy đi đường phục vụ công việc cơ quan nhưng lại lạm dụng cho việc cá nhân, không thiết yếu. Bạn tôi cũng kể trên nhóm zalo về một công ty kinh doanh bất động sản nơi người quen của chị ấy làm việc đã cấp hàng chục giấy đi đường cho nhân viên… Tương tự chuyện cơ quan, doanh nghiệp cấp giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hoặc cấp giấy đi đường nhưng buông lỏng quản lý nhân viên, người lao động cũng không phải là hy hữu. 

Sáng 10-8, Việt Nam ghi nhận hơn 5 nghìn ca nhiễm mới. Nếu tính từ đầu dịch tổng số ca nhiễm là hơn 224 nghìn ca. Mặc dù đã kịp thời triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hành động quyết liệt nhưng mỗi ngày gần đây Hà Nội vẫn xuất hiện hàng chục ca nhiễm mới, rải rác trong cộng đồng dân cư ở các quận, huyện. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập dịch hiệu quả, kịp thời, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho nhân dân. Bởi thế, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; đặc biệt là tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội, “người cách ly với người”, “gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy”. Rõ ràng nếu còn nhiều người tìm cách “thông chốt” hoặc ra đường khi không có việc thực sự cấp thiết thì chúng ta không thể kiểm soát, chống dịch hiệu quả, như vậy sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, cho cộng đồng và cho từng gia đình, cá nhân, thậm chí mọi công sức, nỗ lực của các lực lượng trên tuyến đầu cũng như sự cố gắng của cộng đồng có thể "đổ sông đổ bể". Và chắc chắn đó là điều mà không ai muốn xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều không ai muốn xảy ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.