Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chuyển linh hoạt vốn đầu tư

Khánh Khoa| 23/11/2012 06:13

(HNM) - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm thành phố sáng 22-11, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15-11-2012 có 2 dự án (không kể các dự án chưa triển khai chủ yếu là BT, BOT và xã hội hóa) đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả, 12 dự án triển khai đúng tiến độ và có tới 41 dự án chậm tiến độ yêu cầu.

Nếu theo phân kỳ đầu tư, 31 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ, 1 dự án chuẩn bị thực hiện bị chậm tiến độ và 9 dự án đang thực hiện đầu tư bị chậm tiến độ (nông nghiệp 1, đô thị 5, ODA 2, văn xã 1 và nhóm khác 1 dự án).

Công trình đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội. Ảnh: Khánh Huyền

Nhà đầu tư không còn muốn "đổi đất lấy dự án"

Trong số các dự án trọng điểm có không ít dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT hoặc xã hội hóa. Tức là nhà đầu tư ứng vốn làm dự án cho thành phố, đổi lại nhận dự án hoặc đất đối ứng bù đắp chi phí đầu tư và kinh doanh. Trong giai đoạn thị trường BĐS phát triển, khá nhiều nhà đầu tư "hồ hởi" đăng ký và thực tế không ít dự án đã được triển khai mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, từ giữa năm 2011 đến nay, khi kinh tế khó khăn, thị trường BĐS đi xuống, nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với hình thức "đổi đất lấy dự án" nữa. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn về tài chính nên nhiều dự án rơi vào tình trạng cầm chừng. Điển hình trong lĩnh vực đô thị, dự án đường 70 đoạn Hà Đông - Láng, Hòa Lạc, nhà đầu tư là Công ty Nam Cường hiện chưa có hồ sơ đề xuất, chưa lập được dự án, trong khi tiến độ yêu cầu thông qua hồ sơ trong quý II-2012. Cũng thuộc tuyến đường 70 đoạn Láng - Hòa Lạc đến Nhổn, nhà đầu tư Công ty CP Thái An chưa có quỹ đất đối ứng; theo kế hoạch phải phê duyệt dự án từ quý II-2012 nhưng hiện Sở GTVT vẫn đang hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt. Tương tự dự án đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển, Sở GTVT chưa hoàn thiện xong hồ sơ, trong khi kế hoạch quý II-2012 phê duyệt dự án. Ngoài ra, nhiều dự án do đợi quy hoạch nên không triển khai kịp tiến độ như dự án Bệnh viện Đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh (dự án BT) chưa có quy hoạch khu đất đối ứng, chưa có cơ sở xác định dự án đối ứng hoàn trả nhà đầu tư, trong khi tiến độ kế hoạch yêu cầu phê duyệt dự án trong quý II, lựa chọn nhà thầu BT trong quý IV.

Bên cạnh đó, không có mặt bằng cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án kéo dài ngày khởi công. Dự án Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, dự án Thủy lợi sông Tích, dự án đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục, dự án Nghĩa trang Thanh Tước, Nghĩa trang Minh Phú, công viên hồ Đống Đa… là những dự án điển hình của tình trạng này. Hệ quả của việc chậm trễ khởi công là trượt giá, đội tổng mức đầu tư; dự án đã chậm lại càng chậm hơn khi chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh kinh phí. Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, đây là cản trở lớn nhất với nhiều dự án do chính sách đền bù bất cập, quỹ nhà tái định cư thiếu, chất lượng nhà thấp. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng thẳng thắn: Giải phóng mặt bằng vướng ở cơ chế, chính sách, nhưng "mắc" nhất là ở chính quyền địa phương chưa "thuộc bài", nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, thậm chí né tránh không dám đương đầu với khó khăn.

Sau hơn 15 tháng khởi công, dự án tiếp nước cải tạo sông Tích vẫn đang có tốc độ “rùa bò”. Ảnh: Hạ Quỳnh

Không điều chỉnh kế hoạch vì khó khăn

Mặc dù nhiều dự án chậm kế hoạch tiến độ song đánh giá chung, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, kết quả bước đầu đạt được đáng phấn khởi, thể hiện nỗ lực cao của thành phố, các sở, ngành, chủ đầu tư. Điều này thể hiện ở chỗ việc bố trí kế hoạch vốn, giải ngân được thực hiện linh hoạt đã giúp cho nhiều dự án triển khai nhanh, đưa vào sử dụng sớm, phát huy hiệu quả cao. Tính đến ngày 15-11, khối lượng thực hiện của 36 dự án thành phần được ghi vốn năm 2012 là 2.500 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 2.295 tỷ đồng, bằng 99,5% kế hoạch; là một tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của thành phố (67%) và cả nước (khoảng 74%). Điển hình như các dự án chống ùn tắc giao thông, trong 9 tháng đầu năm, với tiến độ thi công kỷ lục, thành phố đã khánh thành đưa vào sử dụng 2 cầu vượt nhẹ tại nút Thái Hà - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà. Sau 2 công trình này, thành phố khởi công tiếp 3 công trình cầu vượt nhẹ tại nút Nguyễn Chí Thanh - đường Láng, Lê Văn Lương - đường Láng và nút Nam Hồng trên tuyến Mai Dịch - Nội Bài. Cùng với đó, dự án khu xử lý rác thải Nam Sơn triển khai đúng tiến độ cũng góp phần không nhỏ trong việc chủ động xử lý rác thải cho thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, khó khăn lớn trong việc triển khai công trình trọng điểm là vốn. Tổng vốn bố trí trong năm 2012 khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu trong 4 năm ngót nghét 164.000 tỷ đồng; quy trình thủ tục phức tạp, tốn thời gian; ban quản lý dự án năng lực, trách nhiệm hạn chế, nhiều nơi thấy khó khăn không tập trung giải quyết ngay mà chờ TP đôn đốc mới vào cuộc. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, từ nay đến hết năm và những năm tiếp theo, phải quán triệt tinh thần tập trung, quyết liệt, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành dự án đúng kế hoạch phê duyệt, dứt khoát không vì khó khăn này kia mà phải điều chỉnh kế hoạch. Cụ thể, Chủ tịch chỉ đạo điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên cho dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Tập trung giải quyết khâu mặt bằng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; trong đó lựa chọn ưu tiên công trình dân sinh bức xúc như đường vành đai, cầu vượt chống ùn tắc, nhà hỏa táng, cơ sở môi trường… để khởi công sớm trong năm 2013. Chủ tịch cũng giao cho các sở, ngành rà soát các chủ đầu tư, có thể rút chức năng chủ đầu tư của các ngành không có chuyên môn xây dựng cơ bản. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tái định cư bằng giao đất có thu tiền, có thể giữ 30-40% quỹ đất thay vì 20% như hiện nay để tái định cư tại chỗ. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.

Trong 37 công trình, cụm công trình trọng điểm, gồm 55 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 163.649 tỷ đồng, có 1 dự án BOT (3.500 tỷ đồng), 11 dự án BT (40.000 tỷ đồng), 32 dự án vốn ngân sách (79.881 tỷ đồng) và 3 dự án xã hội hóa (gần 3.000 tỷ đồng).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chuyển linh hoạt vốn đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.