Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh viện phí: Có tạo biến động cho xã hội?

Phạm Hải| 01/08/2010 07:08

(HNM) - Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc thu, quản lý và sử dụng nguồn thu viện phí, điều chỉnh giá của một số dịch vụ đã được ban hành từ năm 1995 đến nay.

Điều chỉnh viện phí cần một lộ trình cụ thể để không tạo ra sức ép xã hội.  Ảnh:  Bá Hoạt

Dự thảo này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Điều mà dư luận quan tâm nhiều nhất vẫn là liệu việc điều chỉnh viện phí có tạo thêm áp lực cho xã hội và có tác động đến vấn đề  y đức?

Viện phí trước "bão giá"
15 năm thực hiện chủ trương thu một phần viện phí theo Nghị định số 95/CP ngày 27-8-1994 của Chính phủ, Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30-9-1995 và Thông tư số 03.2006/TTLT ngày 26-1-2006, ngành Y tế đã thúc đẩy được việc thực hiện xã hội hóa (XHH) các hoạt động y tế, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm kinh phí hoạt động của các bệnh viện. Đồng thời, chủ trương này đã khuyến khích các bệnh viện đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, phát triển kỹ thuật mới, nâng cao mức độ hưởng thụ dịch vụ y tế của người dân, kể cả người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt là tạo điều kiện để ngân sách nhà nước thực hiện các chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội, như mua thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người cận nghèo mua BHYT…

Tính chung trong cả nước, nguồn thu từ viện phí và BHYT chiếm 50% tổng số thu của các bệnh viện, nhiều bệnh viện chiếm 90%; thực tế cho thấy nếu không có viện phí thì các bệnh viện không thể tồn tại trên các hoạt động khám, chữa bệnh. Hiện nay ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện rất thấp. Theo khảo sát của Bộ Y tế, hầu hết bệnh viện chỉ được cấp 30-40 triệu đồng/giường bệnh/năm. Số tiền này chỉ bảo đảm chi trả tiền lương theo ngạch, bậc và mức lương tối thiểu do nhà nước quy định; đóng góp BHYT, BHXH… còn phần lớn chi phí thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh đều phải sử dụng nguồn viện phí và BHYT. Trong khi đó, khung giá của các dịch vụ, kỹ thuật y tế chỉ tính một phần (khoảng 30-50%) chi phí trực tiếp để thực hiện các dịch vụ và kỹ thuật tại thời điểm năm 1995. Mặt bằng giá được quy định từ năm 1995 đã hoàn toàn không phù hợp tình hình giá cả đã nhiều lần biến động, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng… Chẳng hạn, tiền điện năm 1995 giá 640 đồng/KWh, hiện nay là 1.170 đồng/KWh; tiền nước năm 1995 là 2.000 đồng/m3 nay khoảng 6.270 đồng/m3… Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 so với năm 1995 gấp 2,5 lần.

Người dân chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm

Chỉ điều chỉnh 12% số dịch vụ
Theo khẳng định của ngành Y tế, lần điều chỉnh viện phí này được xây dựng theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ một phần và chủ trương tính đúng, tính đủ nên hoàn toàn không tạo nên một sức ép nào đối với xã hội và về lâu dài sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Chính vì thế, việc điều chỉnh viện phí tập trung vào khung giá các dịch vụ kỹ thuật được ban hành từ năm 1995 cho phù hợp với thực tế. Theo dự thảo, có khoảng 350 dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ hiện đang được các bệnh viện thực hiện. Khung giá một phần viện phí chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp và dịch vụ, kỹ thuật y tế. Các khoản đã được ngân sách nhà nước chi (khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo…) thì không tính vào các chi phí này.

Cụ thể, mức thu khám bệnh được xây dựng trên cơ sở các chi phí cần thiết cho hoạt động của phòng khám, khoa khám như: Chi phí về điện, nước, các loại vật tư tiêu hao, dụng cụ phục vụ công tác khám bệnh, chẩn đoán… với mức dự kiến là 30.000 đồng lần/khám; mức thu của các dịch vụ, kỹ thuật y tế được xây dựng trên cơ sở các chi phí về thuốc, máu, dịch truyền…; Tiền ngày giường điều trị, dự kiến điều chỉnh từ 4.000 đồng/ngày lên 10.000 đồng/ngày và tối đa là 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa…

Theo thống kê trong tổng số viện phí mà người bệnh và quỹ BHYT thanh toán cho các bệnh viện, có tới trên 60% là tiền thuốc, máu, dịch, truyền; 10% là vật tư thay thế mà người bệnh đã trực tiếp sử dụng, khoảng 30% là chi phí của các dịch vụ kỹ thuật như khám chữa bệnh, ngày giường điều trị, chiếu, chụp, xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng, sự điều chỉnh này nhằm giảm bớt bao cấp tràn lan trong khám, chữa bệnh, Nhà nước đang phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ viện phí, trong khi hầu hết đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo đã và đang được Nhà nước bảo đảm thông qua chính sách BHYT. Về cơ bản, điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến khoảng 53 triệu người đã có thẻ BHYT (khoảng 62% dân số), bao gồm người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

Thực tế, sự điều chỉnh hoàn toàn không tác động mạnh đến xã hội vì theo lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1-7-2010, Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo; từ ngày 1-1-2011 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30-50% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; từ ngày 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30-50% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp… và đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Chính vì vậy, phần viện phí tăng thêm do điều chỉnh giá được BHXH thanh toán 95%, nên chi phí phải đóng thêm chỉ là 5%.

Tuy nhiên, thời điểm nào tăng viện phí là vấn đề cần thận trọng. Bộ Y tế cần đưa ra một lộ trình hợp lý để thiết giảm ảnh hưởng xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh viện phí: Có tạo biến động cho xã hội?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.