(HNM) - Trong những thập niên gần đây, việc xây dựng các đập thủy điện ở Việt Nam là một phần của chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ở những vùng điều kiện tự nhiên phức tạp đã xảy ra hệ lụy. Để nỗ lực cải thiện tình hình nhằm hướng đến một sự phát triển bền vững, các ngành chức năng đã sửa đổi bổ sung quy trình liên hồ chứa thủy điện nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân hạ du trong mùa mưa lũ.
Hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện A Vương xả lũ. |
Phát triển các công trình thủy điện đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lớn đã được khẳng định cũng có không ít bất lợi, cụ thể là việc xây dựng nhà máy thủy điện ở những vùng có điều kiện địa hình và dòng chảy phức tạp mà chưa "tính đúng, tính đủ" những thiệt hại có thể gây ra cho vùng hạ du, dẫn tới phát triển không bền vững. Việc này các cơ quan quản lý đã cân nhắc, tính toán. Đối với những công trình thủy điện đã, đang vận hành, để khắc phục những hệ lụy do xả lũ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công thương đã điều chỉnh quy trình xả lũ và thông tin cảnh báo đến người dân hạ du một cách kịp thời để tránh thiệt hại. Theo đó, quy trình liên hồ chứa đã được sửa đổi và thực hiện vào mùa bão lũ năm nay. Thay vì, "không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước dâng gia cường để điều tiết giảm lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn" như quy trình trước đây thì nay sửa đổi lại "trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai". Đối với các hồ chứa không có nhiệm vụ chống lũ thường xuyên cho hạ du, trước đây chỉ quy định mực nước đón lũ thì nay quy định cả mực nước trước lũ và đón lũ.
Với quy định sửa đổi này, sản lượng điện của các nhà máy điện này sẽ giảm hơn trước đây. Đơn cử, Nhà máy Thủy điện A Vương (lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn), có dung tích hữu ích 266,5 triệu mét khối, mực nước dâng bình thường là 380m, mực nước trước lũ là 376m, mực nước đón lũ là 370m. Theo quy trình cũ, căn cứ để vận hành giảm lũ là theo giá trị lưu lượng lũ cụ thể đến hồ, thì với quy trình mới chỉ căn cứ theo mực nước khống chế trạm thủy văn hạ lưu hồ chứa thủy điện để vận hành giảm lũ. Đặc biệt, thay thế cho quy định trước đây "Căn cứ vào dự báo, lưu lượng vào hồ và mực nước trạm thủy văn khống chế hạ lưu thì giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ quyết định vận hành" thì nay "Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ giảm lũ, đón lũ hạ du" và lệnh ban hành này ít nhất là 4 giờ tính đến thời điểm thực hiện (thay cho trước đây là 2 giờ), trừ trường hợp khẩn cấp, bất thường.
Những nội dung được sửa đổi trên không áp dụng đối với các công trình trên lưu vực sông Hồng - Lô Gâm, như: Thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thác Bà. Hy vọng với những sửa đổi nêu trên, việc vận hành các hồ đập thủy điện trong mùa mưa lũ không còn là vấn đề "nóng". Thiệt hại của người dân vùng hạ du sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện và vùng hạ du, EVN đã yêu cầu các công ty thủy điện trực thuộc phải kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn, vận hành điều tiết hồ đập theo quy trình; bảo dưỡng, sửa chữa trước mùa lũ đối với toàn bộ thiết bị, công trình liên quan đến vận hành chống lũ, nhất là khu vực đầu mối; thường xuyên cập nhật thông tin về khí tượng - thủy văn, có đủ các phương tiện cần thiết phục vụ tính toán, điều tiết hồ chứa; kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, sao cho thông suốt trong mọi tình huống diễn biến thời tiết... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.