(HNM) - Sau thông điệp về hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đang rục rịch hạ lãi suất cho các kỳ vay, chỉ còn 17-19%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc hạ lãi suất đạt hiệu quả và bền vững thì phải hạ lạm phát. Song để hạ lạm phát, trước hết phải hạ giá những mặt hàng thiết yếu, như xăng, điện, giáo dục, y tế...
Để việc giảm lãi suất không trở thành trợ giá cho nhóm lợi ích trung gian, ngành chức năng cần tìm nguyên nhân vì sao lãi suất cao. Thực tế cho thấy, có 2 nguyên nhân chính làm cho lãi suất cao trong thời gian qua là các ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên cao, nên đẩy lãi suất cho vay cao; lãi suất huy động bị đẩy lên cao là do lạm phát cao, cộng với tỷ suất sinh lợi cao của những kênh đầu tư khác, nên với mức sinh lời trong ngân hàng lớn người dân mới gửi tiền tiết kiệm. Như vậy, muốn giảm lãi suất phải bắt đầu từ việc hạ mặt bằng lạm phát. Hiện các ngành chức năng đã kiểm soát đầu tư công và thắt chặt tiền tệ, nhưng giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn cao một phần do việc kiểm soát tài khóa chưa chặt chẽ, phần khác là do một số nhóm lợi ích ở các kênh phân phối hàng hóa. Điều này đã dẫn đến giá bán lẻ bị "đội" lên nhiều so với giá bán sỉ và mặt bằng chi phí chung ở mức cao. Vì thế, cho dù chi phí lãi vay của DN sản xuất có giảm, DN có thể giảm giá bán ra, thì qua kênh phân phối, giá vẫn có thể bị đẩy lên thêm để khi đến người tiêu dùng giá vẫn tăng và kênh phân phối trung gian được hưởng lợi thêm. Do hàng hóa khi đến người tiêu dùng đã qua một hệ thống kênh phân phối chằng chịt, nên rất dễ biến việc hạ lãi suất thành trợ giá cho nhóm lợi ích trung gian phân phối trong nền kinh tế chứ không phải là chống lạm phát. Do đó, hạ lãi suất và tiếp tục thực hiện phân phối tín dụng cho DN cần vốn để bảo đảm duy trì sản xuất, bảo đảm tăng trưởng, tránh phá sản và thất nghiệp là hợp lý. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất sẽ không bền vững, nếu lạm phát tiếp tục cao. Sử dụng công cụ "bơm" thanh khoản, tái cấp vốn hay các biện pháp đồng thuận hạ lãi suất chỉ có thể tác động tạm thời đến mặt bằng lãi suất. Và càng không thể kỳ vọng hạ lãi suất sẽ chặn được lạm phát trong bối cảnh DN sản xuất không quyết định giá, trong khi nhóm lợi ích có tác động lớn trong kênh phân phối vẫn có khả năng đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn thách thức như hiện nay, những lợi ích khi hạ lãi suất đã được các chuyên gia chỉ ra, thì cộng đồng các DN sản xuất, phân phối và ngân hàng cần "suy đi, tính lại", thậm chí phải hy sinh chút ít lợi ích trước mắt để kéo nền kinh tế đi đúng "đường ray". Có như vậy, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mới đạt hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.