Nông thôn mới

Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bài và ảnh: Phùng Thị Ngọc Loan 30/07/2023 - 06:19

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, thành phố đã quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố được nâng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đồng bằng.

ba-vi.jpg
Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Xuân Tĩnh (thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh) được nâng lên nhờ trồng cây thuốc nam, sản xuất nông nghiệp.

Thu nhập được nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm mạnh

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người dân tộc Mường, Bí thư Chi bộ thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, chia sẻ, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vào năm 2008 đến nay, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Ông Nghĩa cảm nhận được rõ nhất sự thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống của bà con. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. “Nếu như trước năm 2008, thu nhập của bà con chỉ đạt dưới 30 triệu thì nay đã tăng lên 55 triệu/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh khi 15 năm trước trong thôn có vài chục hộ nghèo thì nay chỉ còn 2 - 3 hộ. Cùng với đó, đời sống tinh thần của người dân cũng không ngừng được nâng lên với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức nhằm duy trì truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc” - ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Tĩnh (thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh), ai cũng phải ngưỡng mộ khi ngắm nhìn ngôi nhà mới khang trang, hiện đại vừa được xây dựng trên khu đất gần 2 nghìn mét vuông. Là người dân tộc Mường, ông Tĩnh cũng như bao người dân tộc thiểu số khác đều cảm nhận rất rõ về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền Thủ đô đã giúp cuộc sống nơi đây ngày càng phát triển. Đặc biệt là nhận thức của người dân về việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không ngừng được nâng lên. “Gia đình tôi sống bằng nghề bốc thuốc nam, trồng cây dược liệu và trồng hơn 1ha hoa đào để bán vào dịp Tết, tổng thu mỗi tháng khoảng 30 - 40 triệu đồng. Trước đây cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, song từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, thành phố đã đầu tư mở rộng hệ thống giao thông nông thôn. Cùng với đó, nhiều dự án hỗ trợ cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông cũng như đồng bào dân tộc Mường tại thôn Bát Đầm được nâng cao” - ông Tĩnh chia sẻ.

Khu vực miền núi huyện Ba Vì có 7 xã với 76 thôn là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số. Dân số toàn huyện có 76.925 người/18.710 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 29.480 người/6.993 hộ (chiếm khoảng 38,3% dân số vùng dân tộc ở Hà Nội). Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực miền núi huyện Ba Vì có 7 xã Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều thuộc khu vực I.

Với sự quan tâm của thành phố, UBND huyện Ba Vì đã triển khai các giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả, trực tiếp góp phần tạo nên sự đổi thay theo hướng đi lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hằng năm trên 10%. Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng internet. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức. Đáng chú ý là mặc dù xã Trần Phú thuộc huyện Chương Mỹ không đủ tiêu chí là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, nhưng riêng thôn Đồng Ké của xã đủ tiêu chí và đang được đề nghị công nhận thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số.

Hiện có trên 108.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố. Đại bộ phận người dân tộc thiểu số ở Hà Nội đều phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Tuy nhiên, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách so với các vùng khác trên địa bàn thành phố, vì vậy cần được đầu tư nhằm phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... Những chương trình đầu tư đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn thành phố.

Từ thực tiễn triển khai chương trình phát triển trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà (huyện Ba Vì) kiến nghị: Thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ sản xuất trực tiếp, chính sách giảm nghèo, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện miền núi. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; tìm đầu ra và giải quyết các khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển văn hóa - xã hội gắn với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong đó, huyện ưu tiên phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và thành phố. Huyện xác định gắn chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi với chính sách xây dựng khối đoàn kết các dân tộc; chăm lo phát triển kinh tế nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian tới huyện sẽ kiến nghị Trung ương và thành phố tiếp tục quan tâm ban hành chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã miền núi. Cụ thể là ưu tiên nguồn vốn đầu tư hằng năm cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn 3 xã miền núi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, thành phố cần tạo điều kiện về nguồn vốn thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND đối với các xã dân tộc miền núi của huyện. UBND thành phố cũng dành nguồn vốn quỹ phát triển để tạo điều kiện cho hộ gia đình nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; có chính sách đặc thù đối với công tác cử tuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.