Mười lăm năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (2008) cũng là quãng thời gian Hà Nội bắt tay làm điểm (2009) và nhân rộng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với khu vực nông thôn rộng lớn, “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) được thành phố xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển Thủ đô. Nhờ đó, Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Số xã nông thôn mới nhiều nhất cả nước
Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng từ tỉnh Hà Tây chuyển thành thành phố Hà Nội. Đó cũng là quãng thời gian địa phương chứng kiến rất nhiều đổi thay. Chủ tịch UBND xã Phương Đình Nguyễn Xuân Khăng cho biết, trong 15 năm qua, xã đã hoàn thành 3 mục tiêu quan trọng, đó là xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và mới đây là nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với những dấu ấn quan trọng đó, Phương Đình từ một xã thuần nông, hiện có 37 công ty và 185 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hết năm 2022, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trên địa bàn chiếm 54,2%; thương mại dịch vụ chiếm 34,5%; nông nghiệp thủy sản chiếm 11,3%. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã liên tục tăng, đến nay đạt 76,2 triệu đồng/người/năm; diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại hơn trước rất nhiều.
Không chỉ với Phương Đình, đổi thay đến với rất nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội, từ các xã ven đô tới các xã dân tộc miền núi, các xã xa trung tâm Thủ đô. Theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, đến nay, huyện đã có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang trình hồ sơ để được Trung ương đánh giá đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Năm 2023, Ứng Hòa phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với cấp huyện, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện còn lại chưa đạt là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Bên cạnh đó, 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Kết quả đạt được, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao thành tích Hà Nội đã đạt, đồng thời cho rằng, nông thôn Thủ đô đã và đang khơi dậy sức sống mới, năng động và ngày càng văn minh…
Quan tâm đặc biệt tới “tam nông”
Có thể thấy, 15 năm qua kể từ ngày hợp nhất Thủ đô cũng chính là quãng thời gian Hà Nội bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với phát triển Thủ đô, trong suốt 3 nhiệm kỳ gần đây (2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025), Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác toàn khóa hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, 2 nhiệm kỳ từ 2011 đến 2020, Thành ủy Hà Nội xây dựng Chương trình số 02-CTr/TU và nhiệm kỳ 2021-2025 là Chương trình số 04-CTr/TU.
Cũng trong suốt chặng đường 15 năm qua, dù có lúc khó khăn, phải cắt giảm đầu tư công song Hà Nội vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực rất lớn cho xây dựng nông thôn mới. “Chỉ riêng Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đề xuất dự kiến nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn khoảng 92.680 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... là 8.980 tỷ đồng”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết…
Song song nguồn vốn đầu tư, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của thành phố tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện tại các huyện, thị xã; tổ chức giao ban hằng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành thông báo kết luận tại các cuộc họp giao ban và kiểm tra thực tế tại cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ thành phố đến cơ sở, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực theo nếp sống văn minh, tỷ lệ hỏa táng ngày một cao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở... phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế… để năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.