Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đình Hiệp| 07/06/2023 09:30

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 7-6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận khuyết điểm trước Quốc hội và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vì chương trình này và 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại thực hiện chậm.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7-6.

Văn bản "chồng chéo, xung đột"

Phó Thủ tướng cho biết, theo số liệu đến ngày 31-5, phần vốn của năm 2022 cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển; vốn của năm 2023 chỉ đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển. Chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 chương trình này, hơn nữa nhiều đồng bào thụ hưởng chương trình sống ở biên cương, nơi phên giậu của đất nước, đang chịu nhiều khó khăn để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Phó Thủ tướng nêu rõ, có một số vướng mắc chính trong việc triển khai chương trình. Trước hết, văn bản ban hành rất nhiều (riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần), liên quan 23 bộ, ngành trung ương, nên còn nhiều chồng chéo, xung đột.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Thực tế cũng cho thấy, các địa phương không giải ngân được nhiều vốn trung ương, nhưng giải ngân được tỷ lệ lớn vốn đối ứng địa phương. Điều đó cho thấy việc tháo gỡ những quy định còn vướng mắc, gây khó khăn sẽ tạo tác động tốt. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý để chương trình được giải ngân đúng yêu cầu.

Thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số

Trước đó, trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) về việc cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.

Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cũng cho biết, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ hấp dẫn. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm, giải quyết vấn đề lao động.

Trả lời ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) về bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương; trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp, phân quyền cho địa phương. Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, kế hoạch kiểm tra, giám sát; đồng thời, xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi tại sao vốn sự nghiệp cao hơn vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho biết: Với cơ cấu 54.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp chủ yếu dành cho những chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân - đều là những chính sách của giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực thi hành và được tích hợp vào chương trình. Đối tượng hỗ trợ là người dân nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư theo Luật Đầu tư công mà phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Chính vì vậy, cơ cấu vốn vốn sự nghiệp nhiều hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. 

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc (diễn ra chiều qua và sáng nay), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Có 62 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 35 đại biểu tham gia chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi, 7 đại biểu tham gia tranh luận. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung 5 nhiệm vụ.

Một là, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TƯ ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn về lĩnh vực dân tộc.

Hai là, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Ba là, sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Năm là, hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.