Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điền kinh Việt Nam: “Liệu cơm, gắp mắm...”

Mai Hoa| 23/02/2019 08:05

(HNM) - Con số 52 vận động viên (cả cấp độ đội tuyển và trẻ) được gọi tập trung, thực sự rất khiêm tốn đối với môn có khung tiêu chuẩn hơn 40 nội dung thi đấu, vì vậy, điền kinh Việt Nam vẫn phải

Các thành viên đội tuyển điền kinh quốc gia trước khi vào buổi tập. Ảnh: Minh Thu


- Ông nghĩ gì về con số 52 vận động viên cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ được gọi tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để chuẩn bị cho hàng loạt nhiệm vụ trọng yếu của năm 2019?

- Con số đó chưa nhiều, nếu không nói là quá “mỏng” về lực lượng, bởi khung tiêu chuẩn của môn điền kinh là 42 nội dung thi đấu và mỗi nội dung cần từ 2 đến 3 vận động viên để bọc lót, hỗ trợ, cạnh tranh lẫn nhau trong luyện tập. Con số tiêu chuẩn cần được gọi tập trung phải khoảng 100 vận động viên mới đáp ứng được nhu cầu. Thực tế, càng có sự cạnh tranh ở từng nội dung, cơ hội giành huy chương sẽ càng cao hơn. Chưa kể, nếu mỗi nội dung thi đấu, chúng ta có từ 2 đến 3 vận động viên, người làm nghề sẽ yên tâm hơn, vì có các phương án dự phòng cho từng giải đấu, thay vì vừa tập, vừa lo ngại chấn thương.

- Lực lượng mỏng, nhưng điền kinh vẫn luôn được coi là chủ lực của thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ đại hội thể thao, nhất là ở đấu trường SEA Games, thưa ông?

- SEA Games 29-2017, điền kinh Việt Nam đã giành được 17 Huy chương vàng. Tại SEA Games 30 tới đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kỳ vọng thầy trò đội tuyển điền kinh tiếp tục vượt ngưỡng, lập thành tích tốt hơn nữa. Và tất nhiên, thầy trò chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.

- Vậy, Bộ môn điền kinh sẽ khắc phục khó khăn về chuyện lực lượng mỏng như thế nào?


- Với thực tế này, chúng tôi vẫn phải “Liệu cơm, gắp mắm”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Về lâu dài, tôi nghĩ điều quan trọng là phải thay đổi tư duy trong cách làm thể thao đỉnh cao ở các môn có các chỉ số cân, đong, đo, đếm rõ ràng như môn điền kinh. Thứ nhất, phải làm sao có được lực lượng xuyên suốt từ đội tuyển xuống các tỉnh, thành phố, chứ không nên dàn trải, co cụm theo từng địa phương như hiện nay. Thứ hai, hiện nay đội tuyển đang “làm hộ” địa phương khá nhiều, bởi số lượng vận động viên tài năng ít, nếu không gọi lên tuyển, các vận động viên bỏ ngang, thì lực lượng sẽ ngày càng mỏng. Thế nhưng, khi gọi các hạt nhân ở địa phương lên tuyển lại tạo ra những khoảng trống không nhỏ ở tuyến dưới. Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ cần có giải đấu tuyển chọn trước thềm các giải đấu lớn và phải sớm ấn định thời gian tổ chức để các đơn vị có sự tính toán về điểm rơi thành tích phù hợp. Khi ấy, các địa phương mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... có thể tính toán, chủ động chuyện lựa chọn địa điểm tập huấn, thi đấu, đầu tư cho các nội dung thế mạnh. Như vậy, việc kết hợp nguồn kinh phí trung ương và địa phương sẽ có kết quả tốt hơn, thay vì vẫn mang tính chất cục bộ như hiện nay.

- Ông có lo ngại khi tổ chức giải tuyển chọn giữa các đơn vị, không may vận động viên bị chấn thương sẽ lỡ cơ hội thi đấu ở các giải đấu lớn?


- Chúng ta đang hướng đến sự chuyên nghiệp, nên hãy chuyên nghiệp ngay cả trong cách tính toán, lựa chọn các giải đấu trọng điểm. Tại sao đến thời điểm một tháng trước Olympic Tokyo 2020, Liên đoàn Điền kinh thế giới mới khép lại các vòng đấu loại? Tại sao rất nhiều vận động viên marathon hàng đầu thế giới sẵn sàng bỏ cuộc ở giải đấu này, để về nhất ở giải đấu cách ngay sau đó không lâu? Câu trả lời, đó là điền kinh có rất nhiều nội dung, mỗi nội dung có đặc thù riêng, không dễ để dung hòa tất cả. Bởi vậy, tất cả hãy cùng chấp nhận cuộc đấu tuyển chọn như một giải pháp bình đẳng, khách quan và công khai để có sự tính toán, lựa chọn phù hợp. Đôi khi phải chấp nhận trượt giải này để tính toán cho giải sau. Quan trọng là chúng ta phải sớm công bố công khai lịch thi đấu để các địa phương tiện xây dựng kế hoạch, giáo án huấn luyện và định vị sự lựa chọn của riêng mình.

Ngoài ra, đội tuyển điền kinh còn phải đối mặt với khó khăn về kinh phí, bởi khoản đầu tư khoảng 150.000 USD/năm phục vụ thi đấu, tập huấn cho điền kinh cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ ở cả 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, thực sự rất hạn chế. Trong khi đó, ngoại trừ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có hệ thống tập luyện tạm đạt chuẩn, cơ sở vật chất để phục vụ tập luyện ở 3 trung tâm thể thao quốc gia còn lại đều không bảo đảm cho việc này. Tôi nghĩ, ngoài việc nâng chất lượng dinh dưỡng, thuốc bổ trợ, cơ chế rèn tập thể lực phục hồi trong quá trình luyện tập cho vận động viên, cơ sở vật chất ở các trung tâm thể thao quốc gia rất cần được đầu tư đồng bộ. Như vậy, chúng ta sẽ yên tâm có được sự phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điền kinh Việt Nam: “Liệu cơm, gắp mắm...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.