Sau 3 kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) liên tiếp (2010, 2014, 2018) thành công, lần đầu tiên điền kinh Việt Nam “trắng tay”, không giành được tấm huy chương nào tại ASIAD 19. Điều này cho thấy điền kinh nước ta còn nhiều việc phải làm để vươn tới đẳng cấp châu lục, xa hơn là giấc mơ Olympic.
Kỳ ASIAD “trắng tay”
Nhìn lại 3 kỳ ASIAD gần nhất, thành tích của điền kinh Việt Nam không đến nỗi nào: ASIAD 2010, đoạt tới 5 huy chương (3 HCB, 2 HCĐ) nhờ sự tỏa sáng của bộ ba Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Vũ Văn Huyện. ASIAD 2014, Việt Nam tiếp tục giành 2 HCB, do công của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và Quách Thị Lan (400m). Đến ASIAD 2018, Việt Nam giành 2 HCV và 3 HCĐ, đứng thứ 7 toàn đoàn, xếp trên cả Hàn Quốc. Nhưng đến ASIAD 19, điền kinh Việt Nam không giành được huy chương nào.
Đây là thành tích không mong muốn, nhưng cũng là điều đã được dự liệu từ trước, bởi trước khi lên đường dự Á vận hội, điền kinh Việt Nam chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương.
Đến với ASIAD 19, đội tuyển điền kinh tham dự với 12 vận động viên (VĐV). Niềm hy vọng huy chương đặt vào những gương mặt quen thuộc là Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Thị Hường (nhảy ba bước) và đặc biệt đội hình tiếp sức 4x400m nữ - nội dung mà các cô gái Việt Nam vừa giành HCV giải Vô địch châu Á hồi đầu tháng 9-2023.
Đáng tiếc cho Nguyễn Thị Oanh, bởi cô dường như không có điểm rơi phong độ tốt nhất. Ở cự ly 1.500m, chân chạy người Bắc Giang chỉ đạt 4 phút 24 giây 19, kém tới gần 8 giây so với kỳ ASIAD trước (4 phút 15 giây 49), đứng thứ 7 ở chung kết. Thành tích này kém nhất trong sự nghiệp của nhà vô địch SEA Games.
Trong khi đó, thành tích ở giải thế giới tại Hungary hồi tháng 8, Oanh lập kỷ lục cá nhân với thành tích 4 phút 12 giây 28. Nếu tái lập được thông số này, Oanh đã có HCB ASIAD 19.
Còn tại nội dung sở trường 3.000 vượt chướng ngại vật, dù thi đấu rất cố gắng và đạt thành tích tốt nhất năm 2023 (9 phút 57 giây 13), nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn bị VĐV giành HCV bỏ xa tới gần 40 giây.
Tại nội dung tiếp sức 4x400m nữ, 4 chân chạy đang là đương kim vô địch châu Á, gồm: Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh dù rất nỗ lực để có được tốc độ cao nhất, về đích với thành tích 3 phút 31 giây 61, nhưng vẫn để vuột mất tấm HCĐ và chỉ đứng thứ 4 chung cuộc. Trước đó, hồi tháng 7-2023, tổ tiếp sức 4 người này của Việt Nam đã giành HCV tại giải Vô địch châu Á với thành tích 3 phút 33 giây 05.
Còn với nội dung nhảy xa, VĐV Bùi Thị Thu Thảo chỉ xếp thứ 8 với thành tích 6,09m. Tại kỳ ASIAD 2018, Thu Thảo đoạt HCV với thông số 6,55m. Thành tích của Thảo cũng sớm được dự báo, khi VĐV quê Ba Vì (Hà Nội) không còn ở thời đỉnh cao.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng khi thành tích một vài VĐV trẻ giàu tiềm năng như Trần Thị Nhi Yến (sinh năm 2005), Hoàng Thị Ánh Thục (2005) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002). Gây ấn tượng nhất là VĐV Trần Thị Nhi Yến. Cô gái 18 tuổi này dù không đoạt huy chương nhưng việc hai lần vào chung kết ở hai nội dung 100m và 200m cho thấy sự tiến bộ của chân chạy quê Long An.
Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao), kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện tại điền kinh Việt Nam chưa có VĐV nào thực sự đủ khả năng thống trị sân chơi châu lục. Vì thế, trong danh sách dự kiến ban đầu về khả năng cạnh tranh huy chương ASIAD, đội tuyển điền kinh không đăng ký chỉ tiêu HCV.
Bài toán khó
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tại ASIAD 19, điền kinh Việt Nam bị thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng những tài năng đạt đẳng cấp châu lục. Duy nhất có nội dung của tiếp sức 4x400m nữ là có thành tích ở gần nhất với huy chương, tiếp cận trình độ hàng đầu châu lục.
Trong khi đó, VĐV giành HCĐ giải châu Á Nguyễn Thị Hường hay ngôi sao số 1 SEA Games Nguyễn Thị Oanh đều cho thấy một khoảng cách còn xa để có thể cạnh tranh huy chương. Ngoài nguyên nhân quyết định về lực lượng, thành tích của điền kinh Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi bởi xu hướng nhập tịch VĐV của các nước, điển hình là Bahrain.
Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, dù thành tích tại kỳ ASIAD 19 chưa cao, nhưng vẫn không thể đánh giá là không có tiềm năng. Điền kinh cũng giống nhiều môn thể thao khác từng đạt thành tích tốt trong một vài giải đấu lớn, rồi sau đó im hơi lặng tiếng. Nguyên nhân bởi thành tích đó mang dấu ấn của một vài cá nhân riêng lẻ.
"Bên cạnh đó, có nhiều việc điền kinh Việt Nam phải làm cả trước mắt cũng như lâu dài nếu muốn tái lập những thành tích xuất sắc ở đấu trường ASIAD. Trong đó, giải pháp cốt yếu là phải tạo đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ. Qua đó có đầu tư chuyên biệt từ dinh dưỡng đến tập huấn, thi đấu cọ xát các giải đấu quốc tế mới giúp các VĐV đạt tới tầm châu lục, thế giới”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.