Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng: Sức “cầu” chậm hồi phục

Hồng Sơn| 28/02/2015 03:38

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2-2015 (tức tháng Tết Ất Mùi) đã diễn ra trái chiều và là hiện tượng lạ so với


Sự đổi ngôi hiếm có

Tính chung, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm chỉ số giá giảm: Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,41%); giao thông (-4,41%); bưu chính viễn thông (-0,02%)... CPI giảm chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá vào ngày 21-1-2015 (giá xăng giảm 1.900 đồng/lít, giảm 11,54%; giá dầu diezel giảm 1.460 đồng/lít, giảm 11,92%; giá dầu hỏa giảm 1.500 đồng/lít, giảm 10,09%) nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm 4,41% đóng góp 0,39% vào mức giảm chung của CPI.

Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị Intimex. Ảnh: Phương Thảo



Nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá bán không thể tăng cao. Ngược lại, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn chiếm tỷ trọng lớn và thường là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự tăng hoặc giảm CPI trong các tháng Tết của nhiều năm trước đã không tăng cao, khiến CPI không thể "nhích" lên. Nhóm hàng ăn tăng thấp là do rau xanh, nhất là những loại thực phẩm chủ yếu dành cho ngày Tết đều được dự trữ với khối lượng lớn, sản lượng cũng cao do thuận tiện về thời tiết nên đáp ứng tốt cung - cầu thị trường. Thực tế cho thấy, những ngày cận Tết Ất Mùi vừa qua, lượng hàng hóa bung ra thị trường rất nhiều, đặc biệt là ở các đô thị lớn nhưng sức mua khá hạn chế; thậm chí từ trưa đến chiều ngày Ba mươi Tết hàng hóa rất nhiều, đủ chủng loại với giá bán phải chăng, bày bán ra cả lề đường mà vẫn ít người mua.

Ngoài ra, do thị trường bất động sản hầu như vẫn trầm lắng sâu khiến chỉ số giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng suy giảm so với tháng trước. Các chuyên gia cũng xác nhận, việc dự đoán chỉ số giá nhóm này rất khó, vì hiện đã xuất hiện nguồn tin là bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần nhưng trên thực tế năm nay sẽ có thêm nhiều dự án nhà ở hoàn thành và được đưa ra thị trường trong bối cảnh mức thanh khoản của xã hội còn yếu nên không thể hy vọng có sự thay đổi theo hướng tích cực "một sớm một chiều".

Xu hướng CPI tăng thấp

Các chuyên gia cho rằng, CPI quay đầu giảm là kết quả của việc giảm giá xăng liên tục trong thời gian qua. Trước hết, điều đó có lợi cho hoạt động sản xuất và vận tải lưu thông hàng hóa, từ đó làm giảm chi phí đầu vào đối với hầu hết DN. Đặc biệt, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhất khi chi phí giảm, đồng thời cũng có thêm sự lựa chọn trước khi quyết định mua sắm hàng hóa và ổn định đời sống.
Tuy nhiên, đã có một số ý kiến lo ngại, nếu hàng hóa chậm tiêu thụ như hiện tại sẽ kéo theo hệ lụy trầm lắng đối với sản xuất trên diện rộng do các DN chưa thoát khỏi tình trạng tồn đọng sản phẩm vốn đeo bám họ từ 2 năm trước. Tiếp theo, giá bán hàng hóa và dịch vụ tăng thấp, thậm chí giảm sẽ đẩy DN vào tình thế suy giảm về lợi nhuận, có khi không bù đắp cho chi phí đầu vào; từ đó DN không thể hồi phục như mong muốn cũng như làm suy giảm lòng tin vào hoạt động kinh doanh.

Dự báo về mức tăng CPI trong các tháng tới, giới chuyên gia mới chỉ "nghiêng" về khả năng chỉ số này sẽ tăng thấp, chủ yếu dưới tác động của nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu, vật tư gia tăng hơn so với tháng Tết. Tuy nhiên, mức độ "đói" nguyên liệu cũng chỉ diễn ra đối với một số ngành như dệt may, chế biến thủy sản, thiết bị viễn thông, bán dẫn đang có nhiều đơn đặt hàng trong khi nhiều đơn vị thuộc các lĩnh vực quan trọng như sản xuất hàng tiêu dùng, gia dụng, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng… vẫn trong tình trạng còn nhiều sản phẩm chưa tiêu thụ hết trong dịp Tết vừa qua.

Yếu tố quan trọng nhất, có tính chất quyết định mức tăng CPI là sức mua trên thị trường, được đánh giá là vẫn không cải thiện bởi thu nhập thực tế của đại bộ phận nhân dân, nhất là người làm công ăn lương không có sự thay đổi. Bên cạnh đó, tâm lý của người tiêu dùng chủ yếu là tiết kiệm chi tiêu, đề phòng tình huống khó khăn xảy ra bất ngờ. Nhìn chung, sức cầu còn khá yếu, lại chậm hồi phục. Như vậy, nếu xét trong bối cảnh không có diễn biến đột xuất xuất hiện như thiên tai trong nước hoặc "sốt" nguyên liệu, đặc biệt là nếu giá xăng dầu trên thị trường quốc tế ổn định thì rất có thể CPI thời gian tới sẽ tăng thấp. Vì vậy, nỗi lo lạm phát sẽ không còn là sự ám ảnh như đã từng xảy ra trong những năm trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng: Sức “cầu” chậm hồi phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.