(HNM) - Hoàn toàn không phải chuyện chạy theo
Thạch Sanh - bộ phim thuần Việt dựa trên kỹ xảo 3D và công nghệ Hollywood liệu có thể là minh chứng cho bước đột phá của phim Việt ? |
Cái tất yếu chả đợi ai
Câu chuyện này từng được đề cập trong nhiều năm gần đây, nó cũng lại trở thành một vấn đề bàn thảo khi Hãng Kodax tuyên bố phá sản đầu năm nay. Trong nước, cũng đã từng có cuộc trao đổi về lưu giữ, bảo quản phim với công nghệ số. Nhưng gần đây nhất, khi các đơn vị điện ảnh cả nhà nước và tư nhân đều lên tiếng trong một hội thảo do Cục Điện ảnh tổ chức, thì công nghệ số với điện ảnh thực sự là chuyện nếu không thích ứng nhanh thì… quả là phí!
Nhìn ra khu vực sẽ thấy sự phát triển chóng mặt của các rạp chiếu công nghệ này ở các nước trong khu vực, trong đó Nhật Bản có khoảng 3.800 rạp, Indonesia và Thái Lan đều có 900 rạp, ít nhất như Singapore cũng có 200 rạp. Còn ta đang ở mức 55 rạp. Trong đó, đa số là các rạp của nước ngoài đầu tư, sau đó là khối tư nhân, nhà nước chỉ sở hữu 5% trong số này.
Rạp kỹ thuật số nghĩa là các khâu khác của điện ảnh cũng phải đi song hành với công nghệ này. Phải nói là các nhà làm phim của ta ở khối nhà nước không phải không nhận thấy. Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho đến nay vẫn rất "nhiệt tình" chia sẻ quan điểm của anh về vấn đề này, cho dù từ nhiều năm nay anh đã không ít lần phát biểu về sự tất yếu của ứng dụng công nghệ số trong điện ảnh, cũng như khả năng thay thế của nó đối với phim nhựa 35mm. Đối với anh hay nhiều nghệ sĩ điện ảnh Nhà nước khác thì tỷ lệ "1/3" mà đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thước nói, hẳn không xa lạ. Nghĩa là để dựng 100m phim nhựa thì chỉ được quay 300m, không hơn. Sửa chữa, thêm bớt với kỹ thuật số thì có thể, chứ với phim nhựa thì đừng mơ!
Như vậy, với khâu sáng tác thì kỹ thuật số nới rộng thời gian, không gian, chất lượng… đã đành, nhưng với giới phát hành cũng không kém. Công ty cổ phần phim Thiên Ngân cũng có ý kiến cho rằng "Tất cả các phim hiện nay đều được hội đồng duyệt phim - Cục Điện ảnh duyệt dưới định dạng duy nhất là phim nhựa 35mm, gây khó khăn cho các nhà phát hành. Xu hướng chung trên toàn thế giới là từng bước số hóa phim, các hãng phim lớn trên thế giới cũng như nhiều nhà sản xuất trong nước cũng khuyến khích trình chiếu phim dưới định dạng mới này…". Ngay cả lịch duyệt phim cố định hai ngày một tuần của hội đồng duyệt dường như cũng là theo thói quen của công nghệ cũ. Với phong cách phát hành "Digital", nhiều phim bom tấn yêu cầu ra rạp đồng thời tại nhiều nước trên thế giới, mà lại chờ duyệt kiểu cũ thì rõ ràng là khó khăn.
Hăng hái khối tư nhân
Bà Trịnh Quỳnh Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện ảnh truyền hình CBC - Vinematim cho rằng: "Máy chiếu phim kỹ thuật số có độ phân giải lớn cho phép chiếu những hình ảnh chất lượng tương đương phim nhựa 35mm". Nói một cách khác, theo đại diện của Vinacinema Công ty CP Đầu tư điện ảnh Vina (Vinacinema) thì: "Điện ảnh kỹ thuật số đang phát triển như vũ bão trong khối tư nhân" và chiếu kỹ thuật số theo vị đại diện này đơn giản là tránh tình trạng "nước dưa, sọc dừa" của các bản phim nhựa do bị chiếu đi chiếu lại quá nhiều. Cũng theo ông thì "đây là thời điểm phải mạnh dạn chuyển đổi thiết bị và phim từ nhựa sang kỹ thuật số. Không còn phải đợi phim nhiều tháng hoặc nhiều năm. Chỉ với một ổ cứng chúng ta có thể phát hành cùng lúc trên toàn bộ các đội chiếu và các rạp".
Rõ ràng nhận ra mảnh đất vô cùng màu mỡ, khối tư nhân với sự nhanh nhạy sống còn vốn có đã sốt sắng vào cuộc. Họ phân tích: "Chi phí đầu tư thiết bị cho một rạp chiếu kỹ thuật số tối thiểu trong mức từ 2,8 đến 4 tỷ đồng. Muốn kinh doanh tốt thì phải có một cụm rạp từ 3-4 rạp chiếu trở lên. Số vốn đầu tư đương nhiên cũng nhân theo. Do đó, nếu chỉ dựa vào kinh phí nhà nước thì rất khó. Và phương án xã hội hóa là phù hợp nhất hiện nay".
Hiện nay, đã có đơn vị sản xuất máy chiếu kỹ thuật số trong nước, đầu tư cho hàng chục rạp trên toàn quốc, phối hợp với các hãng phim để phát hành phim truyện, hoạt hình dưới dạng kỹ thuật số. Rồi đơn vị khác thì chào hàng các rạp công nghệ Analog "thuê thiết bị chiếu phim kỹ thuật số, đặt trước khoảng 25 đến 30 nghìn USD/1 bộ, rồi sau đó hai bên cùng khai thác, chia lợi nhuận trên cơ sở giá vé bán phim trong thời gian ba năm". Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến dịch vụ làm hậu kỳ cho các phim kỹ thuật số chiếu rạp. Cái cảnh phim sản xuất trong nước rồi sang Thái Lan hoặc một số nước trong khu vực làm hậu kỳ đã "tái diễn" đến mức nóng ruột. Và họ tin tưởng rằng "bằng việc nâng cấp rạp chiếu, chúng ta có thể kéo khán giả quay lại với điện ảnh". Nếu quả được như vậy thì rõ là lợi trăm bề.
Trong khi khối tư nhân thẳng tiến, quyết liệt thì khối nhà nước cũng chuyển động, nhưng rõ ràng hơi chậm. Cũng có rạp được đầu tư phòng chiếu số, nhưng ít như Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội… Biết rằng sự phát triển điện ảnh là không phân biệt tư nhân hay nhà nước, nhưng đi đều hai chân thì vẫn nhanh hơn. Và quan trọng là, với nghệ thuật thứ bảy, chớ có buông điện ảnh nhà nước. Quan điểm này là của một người làm điện ảnh nước ngoài - Giám đốc Rạp chiếu Cinematheque.
Trước xu thế kỹ thuật số, cũng có nhiều ý kiến rằng, phim nhựa vẫn sẽ rất cần thiết, người ta sẽ sản xuất phim bằng kỹ thuật số sau đó chuyển sang nhựa hoặc ngược lại. Rồi về đặc thù nghệ thuật, phim nhựa vẫn có giá trị nhất định, giống như hội họa không bị nhiếp ảnh đè bẹp, phát thanh vẫn phát triển cùng với truyền hình… Tuy nhiên, nhìn kỹ ra thì thấy, cho dù là như vậy thì sự "can thiệp" của kỹ thuật số là vô cùng rõ ràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.