(HNM) - Sản xuất nông nghiệp đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh, thiên tai… Ngày 18-4-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Đây được xem là điểm tựa quan trọng để nhà nông yên tâm sản xuất.
Có bảo hiểm, nông dân sẽ tự tin mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt |
Rõ hiệu quả nhưng còn bó hẹp
Để hỗ trợ nông dân, ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/2011/ QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013, tại 20 tỉnh, thành phố với 9 đối tượng: Lúa, trâu, bò, lợn, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Đã có 304.017 hộ gia đình tham gia BHNN các loại với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo 92%, hộ thường 8%; tổng giá trị tài sản bảo hiểm là 2.152 tỷ đồng… Tổng kết giai đoạn thí điểm, BHNN đã kịp thời bồi thường cho hộ gia đình bị tổn thất, rủi ro cây lúa 17,5 tỷ đồng, vật nuôi 19,5 tỷ đồng, thủy sản 675,9 tỷ đồng…
Ông Bùi Văn Sỹ, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi hơn 1.000 con lợn. Khi tham gia thí điểm BHNN năm 2013, tôi được bảo hiểm bồi thường do thiệt hại về chăn nuôi. BHNN thực sự giúp nông dân có điều kiện tái sản xuất, phục hồi kinh tế".
Theo dõi thực thi chính sách, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định: BHNN là giải pháp bù đắp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp về thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định đời sống, có điều kiện nhanh chóng khôi phục sản xuất...
Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm BHNN cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Ví như, tính hấp dẫn của BHNN thấp do các gói bảo hiểm không đa dạng, nông dân chỉ có thể lựa chọn tham gia, hoặc không tham gia. Đặc biệt đối với lúa gạo, có tới 39,6% số hộ gặp rủi ro về thời tiết, nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí nhận bồi thường; 71,1% số hộ gặp rủi ro về chuột hại, 40% số hộ gặp rủi ro về dịch sâu bệnh, nhưng không được bảo hiểm; hoặc thời gian thẩm định và nhận bồi thường kéo dài đã làm giảm sức hút của BHNN.
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chi phối hiệu quả BHNN là do đa số nông dân sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ, lạc hậu và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước khi có thiên tai, dịch bệnh…; sự phối hợp giữa các công ty bảo hiểm với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ; công tác giám sát không hiệu quả dẫn đến một số hộ gia đình lợi dụng chính sách BHNN để trục lợi.
Công tác tuyên truyền cũng chưa sâu rộng, khiến nông dân không hiểu rõ chương trình bảo hiểm, là hạn chế lớn nhất khiến phần lớn các hộ nông dân không tham gia BHNN. Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tại các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Phúc cho thấy, bình quân khoảng 20% nông dân được tiếp cận BHNN qua các kênh truyền hình, phát thanh, tờ rơi…
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế, hoặc số lượng đơn vị thực hiện bảo hiểm quá ít. Bà Hoàng Thị Tính, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp cho rằng: BHNN là bảo hiểm những rủi ro khó xác định, trong khi mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam phổ biến là quy mô nhỏ, cách thức nuôi, trồng không bài bản, không theo quy chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa am hiểu về tập quán nuôi trồng các loại thủy, hải sản, dẫn đến không kiểm soát được tỷ lệ bồi thường. Do đó, BHNN chưa hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và nhà tái bảo hiểm quốc tế.
“Bà đỡ” của nông dân
Bảo hiểm nông nghiệp đã tạo điều kiện cho nông dân tái sản xuất, phục hồi kinh tế. Ảnh: Thái Hiền |
Nhằm tháo gỡ khó khăn, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 về BHNN nhằm mở ra hướng đi mới, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện BHNN, đồng thời có nhiều loại hình bảo hiểm để nông dân lựa chọn khi tham gia, như bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm về thu nhập, bảo hiểm theo chỉ số năng suất, bảo hiểm theo chỉ số thời tiết... Đáng chú ý, khi bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo chỉ số như: Hạn hán, ngập lụt, rét hại, mưa đá... căn cứ trên thỏa thuận hợp đồng mà không phụ thuộc vào tổn thất thực tế. Ngoài ra, cá nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa đến 90% phí BHNN.
Theo ông Tăng Minh Lộc, trong khoảng 30 năm gần đây, thiệt hại do thiên tai gây ra trung bình khoảng 19.000 tỷ đồng (gần 900 triệu USD)/năm, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất. Do đó, tham gia BHNN nông dân còn phải chủ động áp dụng biện pháp phòng tránh rủi ro, thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, từ đó tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Đồng thời, có bảo hiểm, nông dân sẽ tự tin mở rộng quy mô sản xuất, tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để có nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng hơn. Khi gặp thiên tai, rủi ro, nông dân sẽ được cơ quan bảo hiểm xét bồi hoàn để có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.
Để BHNN trở thành “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những nỗ lực từ chính sách, 4 "nhà" (nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị bảo hiểm và người nông dân) cần phải chung sức để ngành Nông nghiệp ngày càng trở thành ngành sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời, UBND các cấp, các sở, ngành, doanh nghiệp cũng cần chung sức, cộng đồng trách nhiệm trong tuyên truyền, thực thi chính sách BHNN.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các đơn vị bảo hiểm cần tính mức phí hợp lý, mức bồi thường bảo đảm phục hồi được sản xuất; thủ tục hợp đồng, giám định, bồi thường tổn thất nhanh, gọn, tạo động lực để nông dân hào hứng tham gia BHNN. Ngoài ra, đơn vị bảo hiểm cần phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của nông dân, bồi thường kịp thời, đúng, đủ và ngăn chặn việc trục lợi BHNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.