(HNM) - Trong 8 khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) của Hà Nội hiện có gần 100 nghìn CNLĐ đang làm việc tại gần 400 doanh nghiệp, hầu hết là người ngoại tỉnh, tạm trú tại các khu nhà trọ tư nhân giá rẻ, không bảo đảm an ninh trật tự.
Trước thực trạng đó, các cấp CĐ Thủ đô đang nỗ lực xây dựng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, nhóm công nhân nòng cốt… nhằm tạo điểm tựa an toàn cho CNLĐ, giúp họ an tâm sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Công nhân trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần được bảo vệ, giúp họ an tâm sinh sống và làm việc. Ảnh: Bá Hoạt |
Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, toàn thành phố có 50 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn các quận, huyện. Được hình thành với sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, CA khu vực, các chủ nhà trọ và chính CNLĐ thuê trọ, nên hầu hết các tổ tự quản này ra đời đều phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Chị Đỗ Thị Diệu, công nhân Công ty SB Việt Nam, thuê trọ tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh cho biết, trước khi tổ tự quản ra đời, trong khu trọ thường xuyên mất trộm đồ đạc. Nhiều trường hợp bạn bè, người thân của chị và các bạn đến chơi, để xe đạp, xe máy ở cửa phòng, do quên hoặc chủ quan không khóa càng cũng bị mất. Nhưng từ khi có tổ tự quản, tình hình trộm cắp vặt không còn nữa.
Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ nhà cho CNLĐ thuê trọ ở thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, là tổ viên tổ tự quản khu nhà trọ do ông làm chủ có hơn 20 công nhân thuê chia sẻ, trước khi tổ tự quản thành lập, khu trọ của gia đình ông cũng như nhiều khu trọ khác là tâm điểm của đối tượng trộm cắp, nghiện hút. Gia đình ông và CNLĐ còn rất bức xúc vì nhiều khi đối tượng "lạ" đến trộm cắp không thành, quay ra gây gổ với công nhân và chủ nhà. Nhưng gần hai năm nay, kể từ khi có tổ tự quản, ông cùng các công nhân trong tổ chủ động theo dõi, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn lập tức báo CA. Giờ đây, khu trọ đã được bình yên, tổ tự quản trở thành chỗ dựa của CNLĐ, để họ đến phản ánh những băn khoăn, nghi ngại về an ninh trật tự.
Thực tế, với chủ trương tăng cường bảo vệ CNLĐ nhập cư, sau khi mô hình tổ tự quản nhà trọ CNLĐ ra đời và hoạt động khá hiệu quả, LĐLĐ thành phố tiếp tục triển khai mô hình nhóm công nhân nòng cốt (có từ 10 đến 15 công nhân), do CĐ chủ trì, CNLĐ tự đảm nhận hoạt động của nhóm. Mỗi tháng nhóm nòng cốt sinh hoạt một lần theo chủ đề khác nhau như: Phổ biến kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, tình yêu và hôn nhân… đồng thời cùng nhau tham gia văn nghệ do chính CNLĐ biểu diễn, giúp giảm căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Nói về ý nghĩa và công việc của nhóm nòng cốt, Nguyễn Thị Mai Lan, công nhân Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành (KCN Phú Thị - Gia Lâm) đang thuê trọ tại thôn Kiên Thành (Trâu Quỳ, Gia Lâm) cho biết, sau khi được tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm nòng cốt, Lan cùng thành viên trong các nhóm thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt, tập hợp những khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như công việc của CNLĐ để gửi đến CĐ xem xét, giải quyết. Từ khi nhóm ra đời đã góp phần giải quyết kịp thời nhiều thắc mắc của CNLĐ, không xảy ra căng thẳng, đình công, lãn công… Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển và hội nhập CDI Ngô Thị Minh Hương, đơn vị trực tiếp quản lý, hướng dẫn hoạt động của 12 nhóm nòng cốt được thành lập cách đây gần hai năm, đây chính là những "ki ốt" thông tin quan trọng thu thập ý kiến băn khoăn, trăn trở của CNLĐ gửi đến CĐ. Trên cơ sở đó, mỗi tuần một lần CĐ bố trí luật sư, tư vấn viên và tình nguyện viên trả lời, tư vấn pháp luật về các vấn đề liên quan đến quyền lợi NLĐ về chế độ BHXH, BHYT, trả lương làm thêm giờ, nghỉ thai sản, ký HĐLĐ, chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ. Qua đó, tạo sự yên tâm tin tưởng của CNLĐ, giúp họ chuyên tâm làm việc với năng suất, hiệu quả cao hơn…
Tổ chức CĐ đã và đang nỗ lực quan tâm, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, song hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, số lượng tổ tự quản và nhóm nòng cốt còn quá khiêm tốn so với số CNLĐ đang thuê trọ tại xung quanh các KCN&CX. Hoạt động của tổ tự quản, nhóm nòng cốt còn nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi để CNLĐ công khai chia sẻ, bày tỏ thắc mắc của họ. Các tổ trưởng và trưởng nhóm hầu hết đều thiếu kiến thức về pháp luật, kỹ năng hoạt động, nhất là thời gian eo hẹp, nên nhiều buổi sinh hoạt còn mang tính hình thức…
Để tăng hiệu quả lĩnh vực này, nhiều cán bộ CĐ cho rằng, cần có cơ chế bồi dưỡng hợp lý, vừa động viên, khích lệ, vừa ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các tổ, nhóm. Đồng thời, CĐ tổ chức các buổi tập huấn và thường xuyên giám sát hoạt động của các tổ, nhóm. Hằng quý, hoặc cả năm có dịp đánh giá để xác định phương thức hoạt động, đồng thời tăng cường phối hợp nhân rộng mô hình tổ tự quản, nhóm nòng cốt trong các khu trọ của CNLĐ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.