Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Điểm sáng" từ phong trào khởi nghiệp

Hồng Sơn| 25/04/2020 07:01

(HNM) - Trong quý I vừa qua, Hà Nội có thêm 6.350 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, với tổng vốn 103 nghìn tỷ đồng; tăng 1% về số doanh nghiệp, nhưng tăng tới 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hiệu quả từ các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, trở thành "điểm sáng" trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Một buổi sinh hoạt chung của vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Hà Nội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, đó là kết quả ấn tượng, "lội ngược dòng" khi Hà Nội có số doanh nghiệp ra đời lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong khi cả nước số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại lớn hơn số mới thành lập.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bức tranh sáng màu về doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thủ đô. Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nguồn lực tổng hợp của người dân Hà Nội rất lớn và khi môi trường kinh doanh thông thoáng, sự cải cách liên tục và khả năng giải quyết công việc hiệu quả của bộ máy chính quyền thì sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho người dân đầu tư, tham gia phát triển kinh tế.

Thực tế cũng cho thấy, Hà Nội hiện đứng trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với một số tiêu chí quan trọng như việc đăng ký kinh doanh được tiến hành 100% qua mạng internet… Điều này mang đến nhiều thuận lợi, tạo lực đẩy đối với phong trào khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (ngõ Hòa Bình 7, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) khẳng định, những năm gần đây môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội tiến triển tốt, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nhân sẽ vững tâm hơn khi bước vào thương trường với sự hậu thuẫn là tính minh bạch, đầy đủ và kịp thời trong các chính sách của chính quyền và cơ quan chức năng…

Những chính sách, cơ chế và sự hỗ trợ thiết thực từ phía cơ quan chức năng chính là nguồn lực kích đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường. Cụ thể như Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định 4665/QĐ-UBND ngày 5-9-2018). Theo đó, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới như phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, kinh phí chuyển phát nhanh kết quả tại nhà hoặc trụ sở doanh nghiệp; tư vấn miễn phí trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động… Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm kế toán và dịch vụ kế toán để triển khai các chương trình tặng phần mềm kế toán và hỗ trợ công tác kế toán miễn phí với các doanh nghiệp mới…

Bên cạnh đó là, Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 (phê duyệt tại Quyết định 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019) tiếp tục triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ 50% phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện khởi nghiệp sáng tạo...

Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, thành phố tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động sáng tạo, tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Các đơn vị có thể chủ động tìm thông tin, sự hỗ trợ cần thiết tại Cổng thông tin doanh nghiệp, Trang thông tin điện tử công nghiệp và doanh nghiệp công nghệ thông tin Hà Nội.

Các chương trình tập huấn, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp cũng sẽ được tiến hành, bảo đảm chất lượng nhưng chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến để phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Điểm sáng" từ phong trào khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.