Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng nào cho bất động sản trước ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới?

Dạ Khánh| 09/08/2020 14:34

(HNMO) - Thị trường bất động sản gặp khó khăn từ năm 2019. Tình trạng này tưởng như sẽ có cơ hội hồi phục với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và việc kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 mới lại ập tới. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ xoay chuyển như thế nào và bất động sản công nghiệp có trở thành "điểm sáng"?

Nhận diện thị trường

Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Khó khăn này không chỉ do dịch Covid-19 mà từ năm 2019, những vướng mắc về chính sách và rà soát tính pháp lý các dự án, khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh. Thị trường bất động sản đang có lực cầu tốt nhưng cung lại yếu. Điều này khá trái ngược với quy luật.

Quý II-2020, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản cả nước đã sôi động trở lại. "Giao dịch thành công diễn ra rất nhanh và ấn tượng. Nhiều dự án mở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh của Tập đoàn bất động sản Đại Phúc, Đất Xanh... hoạt động kinh doanh sôi động, nhộn nhịp. Dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản rất nhanh, rất mạnh", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II-2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I-2020 với 29.674 giao dịch bất động sản thành công.

Trong đó, tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công, bằng 116% quý I-2020; tại thành phố Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công, bằng 140,6% quý I-2020. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi kích cầu du lịch trong nước; hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30-40%.

"Điểm sáng" có thể là bất động sản công nghiệp

Đối với bất động sản công nghiệp, dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp nhưng phân khúc này vẫn thu hút khách thuê; giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp, Tập đoàn tư vấn bất động sản Savills Việt Nam cho biết, công suất thuê nhà xưởng tại các vùng trọng điểm phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và phía Bắc như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng gia tăng đáng kể từ năm 2018. Cùng với dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nguồn cầu bất động sản công nghiệp Việt Nam đang gia tăng, tiếp tục vượt quá nguồn cung. Vì vậy, việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm là cần thiết để loại hình bất động sản này có thể bứt phá thành "điểm sáng".

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp bất động sản là rất lớn.

"Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 15 ngành nghề chính, chiếm tới 80% GDP, thì bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất", ông Lực chia sẻ.

Dù vậy chuyên gia này vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến bất động sản: Thứ nhất, cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; thứ hai, trong một báo cáo mới ra, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics; thứ ba, nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, trước diễn biến dịch bệnh và thị trường hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Đại Phúc Land cho biết, ảnh hưởng của Covid-19 đã làm doanh số quý I của công ty giảm 50%, quý II có sự phục hồi nhưng chưa cao.

"Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Tập đoàn dự kiến cuối năm 2020, đưa ra sản phẩm căn hộ với giá trị phù hợp với thu nhập của khách hàng", bà Hương cho hay.

Cách gì để vượt khó và phục hồi tốt? Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, có 5 nhóm giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là cần kiểm soát được dịch bệnh. Thứ hai là các gói hỗ trợ phải đúng, trúng, hiệu quả và có tính lan tỏa. Thứ ba là cần hợp tác quốc tế trong phòng, chống Covid-19. Thứ tư, thu hút tốt các dòng vốn trong và ngoài nước. Thứ năm là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản.

Liên quan đến các gói hỗ trợ, ông Lực cho biết, Chính phủ có phản ứng từ sớm và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các gói mới chỉ triển khai được 20-25%. Do đó, cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ này để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định: "Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng... vẫn còn lớn".

Cùng với một số chính sách pháp luật mới được ban hành: Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2020, có một số quy định mới tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước đây.

Đặc biệt, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng, thúc đẩy nguồn cung bất động sản trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng nào cho bất động sản trước ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.