Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm nghẽn nào làm cho ngành thủy sản của Thủ đô chưa thể bứt phá?

Sa Chi - Bình Yên| 01/12/2013 06:02

(HNM) - Sở hữu hơn 30.000ha mặt nước, trong đó đã nuôi trồng hơn 17.000ha thủy sản; nguồn lực dồi dào, trình độ và kinh nghiệm thâm canh tốt… có thể khẳng định Hà Nội đã hội tụ đủ tiềm năng, thế mạnh để phát triển nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả ngành này mang lại còn thấp và chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho Thủ đô. Đâu là nguyên nhân, cách nào để biến tiềm năng trở thành sức mạnh của ngành thủy sản Hà Nội?



Cuộc trao đổi của PV Báo Hànộimới với kỹ sư nuôi trồng thủy sản Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản (thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) sẽ phần nào giải đáp những vấn đề này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn.


Hội tụ nhiều thế mạnh

- Thưa ông, khi nói về sản phẩm của nền nông nghiệp Thủ đô, người tiêu dùng rất tin dùng những nông sản như cam Canh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ… Tuy nhiên, với thủy sản, dường như chúng ta chưa có sản phẩm ghi dấu ấn trên thị trường?

- Nói về ngành chăn nuôi nói chung, Hà Nội thuộc tốp đầu cả nước với đàn bò sữa trên 10.000 con, đàn gia cầm gần 20 triệu con; đàn lợn 1,5 triệu con… Ngành thủy sản nói riêng cũng sở hữu nhiều thế mạnh như diện tích nuôi trồng lớn, trình độ thâm canh và tiềm lực về vốn của người nông dân rất lớn. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, lợi thế càng nhiều hơn khi chúng ta có được thị trường tiêu thụ rộng lớn, người nông dân lại dễ dàng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hơn nữa thành phố đã có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung, thủy sản nói riêng.

- Ông có thể cho biết rõ hơn, chúng ta đang nắm trong tay những lợi thế gì và chúng ta đã làm được những gì để biến thế mạnh, tiềm năng trở thành hiện thực?

- Việc Hà Nội đang có hơn 30.000ha mặt nước là mơ ước của nhiều địa phương. Trong đó đã nuôi trồng thủy sản trên 17.000ha; diện tích còn lại đang được cải tạo để đưa vào sử dụng. Số diện tích mặt nước này tập trung chủ yếu ở các huyện của tỉnh Hà Tây cũ. 5 năm sau hợp nhất, Hà Nội đã đầu tư cho khu vực nông thôn 36-39% ngân sách, trong đó khoảng 4% cho cây trồng, vật nuôi (tỷ lệ này của các nước là 2,7%). Đề án quy hoạch phát triển ngành thủy sản trong những năm tới cũng đã được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng, chưa kể nguồn quỹ khuyến nông hơn 100 tỷ đồng cũng sẽ dành một phần hỗ trợ bà con nông dân vay ưu đãi để nuôi trồng thủy sản.

Trong 5 năm qua, chúng ta đã từng bước khắc phục tình trạng đầu tư manh mún bằng việc quy hoạch một số vùng, đầu tư hạ tầng để nuôi thủy sản tập trung, như ở Vạn Thắng (Ba Vì), Hòa Lâm (Ứng Hòa), một số xã ở huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên... Thông qua nhiều kênh, việc tập huấn, phổ biến kỹ thuật cho nông dân luôn được chú trọng, góp phần thay đổi nhận thức, biện pháp canh tác trong sản xuất, cho đến nay kỹ thuật thâm canh và bán thâm canh gắn với bảo vệ môi trường đã được định hình rất rõ.

- Như ông nói, kỹ thuật nuôi trồng đã được nâng lên, điều đó có tỷ lệ thuận với năng suất, sản lượng của ngành thủy sản?

- Do đặc thù của ngành thủy sản phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường nuôi đó là nguồn nước, do vậy khâu bảo đảm vệ sinh nguồn nước cực kỳ quan trọng. Trước đây, do nhiều yếu tố, nguồn nước chưa được chú ý xử lý, đến nay hầu hết bà con đã dùng vôi và các chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước trong quá trình nuôi nhằm phòng bệnh cho cá, hạn chế không phải sử dụng thuốc kháng sinh. Có thể nói, so với trước, trình độ và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của người nông dân đã được nâng lên, nhờ đó năng suất ngày càng cao. Nếu như những năm trước, năng suất vùng nuôi chỉ đạt 3,5-4 tấn/ha, nay đã đạt 7-8 tấn/ha, cá biệt có hộ nuôi thâm canh và bán thâm canh, năng suất đạt trên 10 tấn/ha; có nơi 15 tấn/ha khi nuôi rô phi, chim trắng, cá chép… Rõ ràng là thế mạnh của thủy sản đã và đang được khai thác, phát huy.

Loay hoay tìm thương hiệu

- Khi nói đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có thể biết ngay thế mạnh là cá tra, cá ba sa, tôm sú... Vậy thủy sản Hà Nội có sản phẩm nào là chủ lực, thưa ông?

- Với các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Hà Nội, việc tìm ra thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản đến nay vẫn còn là bài toán. Trước đây, Bộ Thủy sản rất muốn đưa cá rô phi làm đối tượng thế mạnh của miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Giống như cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cá rô phi có thể đáp ứng được các điều kiện nuôi, nói cụ thể hơn là sự tương thích của cá rô phi rất tốt, nhưng vướng mắc chính là đầu ra.

Người nông dân Thủ đô hiện đã có kỹ thuật, định hướng rõ ràng và đủ nhạy bén với thị trường để xác định nên nuôi con gì, mật độ ra sao. Đã có những hộ nuôi cá rô phi cho thu hoạch trên 20 tấn/ha nhờ áp dụng tiến bộ mới, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn tự túc, phụ thuộc vào đầu nậu, thương lái, do vậy lượng tiêu thụ chưa được nhiều. Một chủ đầu nậu có thể chỉ tiêu thụ cho một hộ cao nhất được 5 tấn/ngày, trong khi một ao nuôi khoảng 3ha, sản lượng 25-30 tấn, phải mất 5-7 ngày mới tiêu thụ hết thì rất thiệt thòi cho nông dân, vì trong giai đoạn đó không cho cá ăn được, bị hao hụt cân. Chưa kể, người chăn nuôi luôn bị thương lái ép giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá rô phi ở miền Bắc chưa có thương hiệu như cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Ngoài cá rô phi, chúng ta có nghĩ đến việc thử sức với các loại thủy sản khác không, thưa ông?

- Chúng tôi cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình. Hiện các loại cá truyền thống như trắm, chép lai, trôi, chim trắng, cá mè… vẫn được coi là sản phẩm chủ lực của ngành và được khuyến khích đầu tư phát triển. Nhiều mô hình nuôi cá ghép năng suất cao, nuôi thâm canh cá rô phi, cá lồng theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả khá tốt. Bên cạnh loại cá truyền thống, Hà Nội đã triển khai nuôi nhiều loại con đặc sản như cá chình, ba ba, cá lăng, ếch, cá nheo, rô đồng, rô đầu vuông, cua đồng… Đặc biệt, mới đây, chúng tôi đã thử nghiệm nuôi cá tầm thành công ở xã Khánh Thượng, Ba Vì.

- Ông cho biết rõ hơn về kết quả thử nghiệm?

- Cá tầm là loại đặc sản nước lạnh, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đưa vào nước ta nuôi từ năm 2005 tại Sa Pa (Lào Cai) và sau đó đã được nhân rộng tại một số nơi như Lai Châu, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Lạt… Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng trên thế giới cũng như ở Việt Nam ưa chuộng, do thịt cá thơm ngon, có một lớp mỡ rất mỏng, béo mà không ngấy. Đặc biệt trong thịt cá tầm có đến 8 loại axid amine rất cần cho cơ thể con người và có một lượng D - amino axid cao gấp 5 lần các loài cá khác. Sau khi khảo sát, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chọn xã miền núi Khánh Thượng của huyện Ba Vì với lợi thế khí hậu mát, nguồn nước suối dồi dào để triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm. Kết quả thử nghiệm - theo tính toán sơ bộ của Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì, mỗi bể nuôi 500 con cá tầm (50m3), sau hơn 5 tháng nuôi, trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc... mỗi bể cho lợi nhuận hơn 37 triệu đồng.

- Như vậy, có thể thấy nông dân Hà Nội nuôi được, nuôi tốt nhiều loại thủy sản, nhưng để khẳng định vật nuôi đó là thế mạnh của Hà Nội thì dường như là chưa thể?

- Đúng vậy. Hà Nội cái gì cũng có, cũng làm được, chỉ có điều chưa cái gì đủ mạnh hơn so với các tỉnh bạn. Đó là bài toán cần tiếp tục tìm lời giải.

- Vậy thì đâu là điểm nghẽn làm cho ngành thủy sản của Thủ đô chưa thể bứt phá?

- Cái vướng nhất hiện nay là về hạ tầng. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống thủy lợi riêng cho nuôi trồng thủy sản, hiện vẫn phải dùng chung với ngành nông nghiệp. Như tôi nói ở trên, nguồn nước chính là yếu tố quyết định đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản, trong khi hiện tại nguồn lực tại vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu là tồn đọng, dồn ứ, các sông thì ô nhiễm, nguồn nước cấp bổ sung từ mạch nước ngầm đang cạn kiệt dần. Nhiều vùng nuôi, ao nuôi rất đẹp nhưng phải chờ trời mưa mới có nước để nuôi, rất lãng phí.

Thứ hai là đối tượng nuôi và kỹ thuật nuôi. Những năm gần đây, bà con đã được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các kênh khuyến nông, các cơ quan chuyên ngành về thủy sản. Tuy nhiên, vẫn chưa được phổ cập nhiều và để đáp ứng được kỹ thuật nuôi mới thì không phải bà con nông dân nào cũng đáp ứng, bởi khi muốn nâng năng suất cần có vốn đầu tư và đầu tư phải khoa học thì không phải hộ nào cũng đáp ứng được. Việc xác định đối tượng nuôi cho phù hợp chưa hẳn hộ nào cũng làm tốt. Theo khảo sát của chúng tôi mới chỉ có khoảng 50% số hộ có kinh nghiệm mới lựa chọn được đối tượng nuôi phù hợp. Việc xác định thị trường cũng khoảng 30% số hộ thực hiện được. Trên thực tế, vấn đề không chỉ nuôi tốt là cho hiệu quả, vì nó còn phụ thuộc vào thị trường.

- Sự chưa định hướng, dự báo thị trường một cách chính xác cũng như nghịch lý được mùa rớt giá, hay bị tư thương ép giá của người nông dân… cũng có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan khuyến nông?

- Chúng tôi đang cố gắng thực hiện tốt vai trò cầu nối, giúp người nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật; tham mưu cho thành phố thực hiện các chính sách khuyến nông.

Cần đồng bộ từ chủ trương đến đầu tư

- Như vậy, khối lượng công việc cần làm cho ngành thủy sản của chúng ta còn rất nhiều?

- Để khai thác tiềm năng, thế mạnh, ngành thủy sản Thủ đô cần nhiều yếu tố, từ định hướng thị trường, vốn, kỹ thuật. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là Nhà nước phải có sự hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất. Tiếp nữa là cụ thể hóa mối liên kết giữa 3-4 nhà. Về việc liên kết, chúng ta có chủ trương từ lâu nhưng trên thực tế chưa được cụ thể hóa, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ.

- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để phát triển ngành thủy sản Hà Nội?

- Đầu tiên là đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Thành phố đã quy hoạch được các vùng nuôi, nhưng mới đầu tư được hệ thống đường giao thông, hệ thống điện. Yếu tố quan trọng nhất với thủy sản là nguồn nước thì chúng ta chưa có hệ thống thủy lợi riêng, tới đây cần phải đầu tư xây dựng mới bảo đảm áp dụng kỹ thuật, yếu tố then chốt nâng năng suất sản lượng của ngành.

Thứ hai, khi xây dựng mô hình chuyển tải giống mới cần tính đến đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Để làm được điều này cần có đơn vị đứng ra hỗ trợ cho bà con nông dân và nuôi theo chu kỳ nuôi, không ai khác chính là các doanh nghiệp; còn đơn vị sự nghiệp, hành chính của Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò cầu nối. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở thu mua, chế biến. Và cũng hết sức lưu ý triển khai một cách đồng bộ khi đầu tư xây dựng một nhà máy đi kèm với đó phải có vùng nguyên liệu để phục vụ. Cái cách chúng ta làm hiện nay còn manh mún, chưa tập trung.

- Các ngành chức năng, trong đó có Trung tâm Khuyến nông sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đi tìm thương hiệu và chỗ đứng cho thủy sản Thủ đô, thưa ông?

- Đương nhiên, các ngành chức năng, trong đó có khuyến nông cần tham mưu cho thành phố quy hoạch và triển khai thực hiện tốt quy hoạch kết hợp với tăng cường marketing, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng cả nước biết đến thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu cho thủy sản Thủ đô. Cùng với đó là giúp người nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, hướng dẫn họ cách nuôi trồng các giống thủy sản có giá trị kinh tế. Tôi tin rằng, với kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, ưu tiên sử dụng các chế phẩm công nghệ sinh học trong việc phòng và chữa bệnh cho thủy sản rất hiệu quả, thay thế việc dùng thuốc kháng sinh thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các loại thủy sản truyền thống. Trong tương lai, sẽ có nhiều loại đặc sản như cá tầm an toàn, chất lượng do nông dân Thủ đô nuôi trồng và cung cấp, phục vụ người tiêu dùng. Hy vọng, cá tầm sẽ là thương hiệu đầu tiên của thủy sản Hà Nội.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm nghẽn nào làm cho ngành thủy sản của Thủ đô chưa thể bứt phá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.