Đầu tư

“Điểm nghẽn” lớn với đầu tư ngành Điện

Bảo Hân 02/08/2023 - 09:33

Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển điện lực đã được Quy hoạch điện VIII cụ thể hóa bằng những con số rất lớn. Trong khi nguồn vốn nội tại của nền kinh tế chưa thể đáp ứng, giải pháp đặt ra là cần đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ khó thực hiện nếu “điểm nghẽn” về giá điện không sớm được tháo gỡ...

fb12bb562f8afcd4a59b.jpg
Đầu tư hệ thống hạ tầng truyền tải luôn là thách thức lớn về nguồn vốn đối với ngành điện. Ảnh minh họa

Khả năng huy động vốn đầu tư giảm sút

Quy hoạch điện VIII ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD. Như vậy, ngay trong giai đoạn trước mắt, mỗi năm cần trên 13 tỷ USD, là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và ngành Điện nói riêng. Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị hiện chiếm khoảng 62% thị phần khâu phát, độc quyền khâu truyền tải, chiếm hơn 90% thị phần khâu phân phối bán lẻ, EVN không đủ khả năng thu xếp nguồn vốn lớn như vậy.

Trong tham luận gửi đến hội thảo về “Cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa tổ chức, EVN cho biết, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của Tập đoàn là 94.860 tỷ đồng. Hiện EVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, bảo đảm vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo. Kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn, các ngân hàng sẽ khó phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay.

Liên quan đến khoản lỗ của EVN, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, năm 2022, EVN lỗ 20.700 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14.700 tỷ đồng. Các số liệu được kiểm toán cho thấy lý do lỗ bởi giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương dẫn giải, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện tăng, nên giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng tương ứng. Nếu vẫn tiếp tục quản lý, điều hành giá bán lẻ điện như hiện nay thì EVN sẽ tiếp tục thua lỗ.

“Cách thức quản lý giá điện hiện nay tạo nên kỳ vọng xã hội về duy trì giá điện thấp và ổn định, từ đó, tạo nên “bức xúc xã hội” trước mọi thay đổi, điều chỉnh giá điện. Cách thức đó không khuyến khích, mà trái lại, tạo tâm lý dè dặt, không dự tính được của các nhà đầu tư khi phát triển các nguồn mới và đường dây truyền tải…”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung chỉ ra.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, do giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành Điện nên chỉ có cải cách giá điện mới có thể thu hút được vốn. Trong chuỗi giá trị của ngành Điện, gồm sản xuất - truyền tải - phân phối, khu vực tư nhân chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi 2 yếu tố là giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý bởi giá điện thấp lại nằm ở khu vực sản xuất, nhằm thu hút đầu tư, từ đó đóng góp vào GDP. Tuy nhiên, mặt trái là giá điện thấp dẫn tới việc sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ tốn điện. Ngoài ra, giá điện thấp sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư vào thị trường này.

Cùng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ nguyễn Đình Cung cho rằng cần cho phép Bộ Công Thương, EVN chủ động hơn trong điều chỉnh giá bán lẻ điện linh hoạt theo kịp biến động của thị trường. Trước mắt, cần tăng cường truyền thông, phản ánh khách quan các mặt được và chưa được trong phát triển ngành Điện và vận hành hệ thống điện cho đến nay. Nhất là cần truyền thông về khả năng giá điện sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá điện minh bạch do thị trường quyết định. Các doanh nghiệp bảo đảm thu đủ chi phí, có lợi nhuận và tự chủ tài chính, từ đó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện.

“Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; đặc biệt huy động vốn của các hộ dân xây lắp điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu. Đây là một trong những giải pháp xử lý câu chuyện về vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII”, ông Nguyễn Bích Lâm nói thêm.

Còn với EVN, để tháo gỡ khó khăn tài chính đang gặp phải, Tập đoàn kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN mong được Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để bảo đảm cân bằng kết quả sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Điểm nghẽn” lớn với đầu tư ngành Điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.