(HNM) - Thời gian qua, cả nước đã khống chế thành công 3 loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rất cao, nhiều địa phương tổ chức lễ hội... đã phát tán mầm bệnh khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ cuối tháng 2 đến nay, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh đã quay trở lại một số địa phương như Điện Biên, Kiên Giang, Sơn La, Quảng Nam, Long An... Số gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 14.000 con.
Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Ảnh: Thái Hiền |
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch nhưng nguy cơ tiếp tục bùng phát rất cao. Nguyên nhân là thời tiết thay đổi, mưa phùn kéo dài, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của gia cầm. Đồng thời, việc tái đàn chăn nuôi gia tăng sau Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ lễ hội tăng cao cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, lĩnh vực chăn nuôi vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tất cả các ổ dịch phát sinh đều từ các hộ gia đình. Thực tế, dịch cúm gia cầm chủ yếu xuất phát từ đàn vịt nuôi phân tán, trong khi người dân chưa có ý thức tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo chống dịch tại một số địa phương chưa quyết liệt và triệt để. Việc phát hiện chậm ở tuyến cơ sở đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan rộng, việc khoanh vùng dịch gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc vận chuyển GSGC nhập lậu thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực biên giới Tây - Nam.
Để công tác phòng chống dịch bệnh GSGC năm 2013 đạt hiệu quả tốt, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần hướng dẫn các địa phương công bố dịch kịp thời để huy động các lực lượng cùng tham gia chống dịch. Bên cạnh đó, phải lập chốt kiểm dịch tại các tuyến đường ra vào vùng dịch, vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi... Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình cho rằng: “Để chủ động phòng chống dịch bệnh GSGC, các địa phương cần khuyến cáo người chăn nuôi chủ động khai báo khi có dịch, không bán chạy, giết mổ GSGC mắc bệnh, đồng thời thông báo rõ chính sách hỗ trợ của thành phố. Trong tháng 3, các trạm thú y huyện cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1, tập trung vào các địa bàn có ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ cao”.
Cục Thú y cho rằng, để triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương phải tuyên truyền để người dân chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, xây dựng chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ để kiểm soát được nguồn dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.