Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm gặp nhau: Thẳng thắn

Y Linh| 11/06/2010 07:06

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Nhiều vấn đề là “bệnh kinh niên”, chữa trị chưa dứt điểm (HNM) - Hôm qua, 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hồ Nghĩa Dũng đã lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Nhiều vấn đề là “bệnh kinh niên”, chữa trị chưa dứt điểm
(HNM) - Hôm qua, 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hồ Nghĩa Dũng đã lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Các thành viên Chính phủ khác như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Lê Hồng Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu... tham gia trả lời những lĩnh vực quản lý liên quan.

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Thuyết chất vấn thành viên Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Phạt gian lận nhập khẩu thuốc nhẹ quá, chưa đủ mức răn đe
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khá "vất vả" khi trả lời chất vấn của các đại biểu về các vấn đề điều hành giá cả, quản lý nợ công, chính sách thuế và lương tại siêu Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC...

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi: Trên thế giới có bộ trưởng nào kiêm chức Chủ tịch HĐQT một công ty như Bộ trưởng (Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giữ chức Chủ tịch HĐQT SCIC - PV)? ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) thắc mắc: Doanh nghiệp khai man, trốn thuế nhập khẩu bằng cách biến xe du dịch thành xe bán tải, sao không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời: "Tôi kiêm Chủ tịch SCIC là do Thủ tướng phân công. Đây là mô hình đặc thù để quản lý tốt vốn nhà nước. Singapore cũng có tập đoàn kinh tế do Thủ tướng làm Chủ tịch HĐQT. Vấn đề thu nhập của lãnh đạo SCIC mà kiểm toán có nêu đã bao gồm cả những khoản ngoài lương như tiền làm thêm giờ, điện thoại, ăn trưa... Tôi thừa nhận là chế độ kế toán của SCIC chưa chuẩn. Đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính". Bộ trưởng cũng giải thích, hành vi "lách" thuế nhập khẩu ô tô của doanh nghiệp được xem là gian lận thương mại, nhưng chưa tới mức phải xử lý hình sự.

Chưa hài lòng với câu trả lời trên, ĐB Nguyễn Minh Thuyết chất vấn tiếp: "Tôi rất lo lắng vì Bộ trưởng nói đó chưa phải là trốn thuế. Còn về lương ở SCIC, vấn đề không phải cao thấp mà căn cứ ở đâu để quyết định mức lương đó, việc thực hiện có nghiêm không?". Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời: "Chúng tôi xác định đó là gian lận thương mại, còn có truy cứu hình sự hay không thì phải bàn bạc thêm. Lương ở SCIC không phải Bộ Tài chính duyệt, nhưng chúng tôi cho rằng đều căn cứ ở chế độ, chính sách của Nhà nước...".

ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: Giá xăng lúc tăng sao nhanh và nhiều nhưng khi giảm lại chậm và ít? Giá thuốc chữa bệnh quá đắt, bán gấp 4-5 lần giá thành, Bộ Tài chính quản lý giá cả ra sao? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình rằng, giá xăng dầu điều hành khá tốt theo thị trường, hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Không có chuyện Bộ Tài chính phải chịu sức ép nào đó hay chỉ bảo vệ doanh nghiệp. Về giá thuốc chữa bệnh cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác, kiểm tra cho thấy có nhiều vi phạm. Thậm chí, doanh nghiệp gian lận ngay từ khâu nhập khẩu để "làm giá" với nhau, tiếc là mức phạt còn nhẹ quá, chưa đủ răn đe... Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu giải thích thêm: "Một số loại thuốc quý, hiếm, biệt dược tăng giá tới 200-300% là có thật, song nhìn chung giá thuốc vẫn tăng chậm hơn các mặt hàng khác. Chúng tôi vẫn đang tìm mọi biện pháp để kiểm soát tình hình".

Quan tâm tới quản lý nợ công, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị cho biết con số nợ công thực sự? Chính phủ quản lý nợ này như thế nào? Trả nợ ra sao? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: Con số nợ Chính phủ đã công bố là hoàn toàn chính xác. Quan trọng là các chỉ tiêu an toàn đều trong tầm kiểm soát, không có khoản nợ quá hạn. Điều đó chứng tỏ sử dụng vốn vay hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng: Bộ có khuyết điểm khi nhiều công trình vừa đưa vào khai thác đã phải sửa chữa

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Viết Thành


Chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) hỏi: công trình giao thông vừa làm xong đã xuống cấp, hư hỏng, trách nhiệm các ban quản lý dự án như thế nào? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận khuyết điểm và xác nhận có nhiều công trình vừa đưa vào khai thác đã phải sửa chữa. Có nhiều khâu yếu kém dẫn tới tình trạng này, từ chuẩn bị dự án tới tư vấn, nhà thầu. Các ban quản lý dự án và Bộ cũng có trách nhiệm. Bộ sẽ tập trung cao hơn giám sát đầu tư, tăng tính minh bạch trong quản lý dự án. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi: lấn chiếm lòng lề đường gây ách tắc giao thông sao mãi chưa xử lý dứt điểm? Nạn đua xe, coi thường luật giao thông vì sao vẫn diễn ra? ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) hỏi: dân sống trong hành lang an toàn giao thông bức xúc vì đi không được, ở không xong, bao giờ Bộ mới xử lý được? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận: "Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là vấn đề nhức nhối. Nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa giải tỏa hết được. Khuyết điểm này chúng tôi nhận vì nhiều nơi đang ở trong tình trạng "treo", ảnh hưởng tới việc làm ăn của bà con".

Hằng ngày, trẻ nhỏ, người lớn đôi bờ dòng PôCô ở huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) đang phải mạo hiểm tính mạng của mình để vượt qua dòng sông dữ.


Nêu ra chuyện người dân phải đu dây cáp vượt sông PôCô (Kon Tum), ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi "Bộ trưởng kiểm tra chưa?". Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, giả sử có một đối tác nào cho vay và chi phí thấp hơn phía Nhật Bản, chúng ta có cho họ làm không? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn: Trường hợp bà con ở sông PôCô không thấy địa phương đề cập. Khi báo đăng, tôi đề nghị kiểm tra nhưng Sở GT-VT Kon Tum cũng không biết. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương xử lý việc này. Còn với dự án đường sắt Bắc - Nam chưa lựa chọn đối tác cụ thể nào, tất cả vẫn đang bỏ ngỏ, ai đủ điều kiện hợp tác đều có thể tham gia.

Nhiều vấn đề là "bệnh kinh niên", chữa trị chưa dứt điểm

Trong phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiều lần ngắt lời, yêu cầu Bộ trưởng "trình bày gọn lại, đi thẳng vào vấn đề, không cần diễn giải dài dòng". Tuy vậy, khi chốt lại phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhận xét: "Phần trả lời của Bộ trưởng đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Bộ trưởng nắm rất chắc nên trình bày khá cụ thể. Do các vấn đề liên quan tài chính, tiền tệ rất phức tạp nên thời gian không đủ, các vấn đề còn lại Bộ trưởng có thể trả lời bằng văn bản...".

Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung. Những vấn đề chưa làm được, Bộ trưởng sẵn sàng nhận thiếu sót, khuyết điểm và có hứa sắp tới sẽ khắc phục. Những câu hỏi còn lại, Bộ trưởng đã cam kết tiếp tục nghiên cứu trả lời bằng văn bản. Nhận xét về phiên chất vấn buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, toàn những vấn đề không mới. Đa số là những "bệnh kinh niên", chưa được chữa trị dứt điểm để làm hài lòng cử tri.

Khánh Khoa
ghi


ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Chuyện không riêng gì SCIC mà là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước

Những thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nắm được rất chắc, tuy nhiên vấn đề mở rộng về SCIC cần phải bàn thêm. Mục đích chúng tôi đặt ra câu hỏi về lương và thu nhập của SCIC rộng hơn, liên quan đến vấn đề quản lý các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước nói chung, chứ không phải chỉ riêng SCIC. Ở đây, dư luận không thắc mắc nhiều về thu nhập cao hay thấp, mà vấn đề là căn cứ thu nhập đó có lý hay không. SCIC là công ty kinh doanh vốn nhà nước, nhưng hiện nay SCIC chỉ nắm được 1,8% vốn của nhà nước như là Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói. Vậy thì lương của người lãnh đạo mỗi tháng tới 80 triệu đồng thì có ổn không?!

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Tôi hài lòng vì Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn gọn và tỏ ra nắm chắc những vấn đề các ĐBQH quan tâm. Khi các ĐBQH hỏi về từng công trình, dự án GTVT, Bộ trưởng đều nắm được và giải đáp ngay những băn khoăn, thắc mắc của ĐBQH. Đặc biệt, vấn đề nào thấy sai là Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận trách nhiệm và vấn đề nào chưa biết, Bộ trưởng xin tiếp thu. Tôi hài lòng về cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, vì không gây mất nhiều thời gian và để nhiều ĐBQH có thể đặt câu hỏi chất vấn vấn đề khác nhau.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Không quy trách nhiệm thì dễ "đánh bùn sang ao"
Trong văn bản trả lời chất vấn ĐBQH và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tỏ thái độ tôn trọng ĐBQH và ý kiến cử tri. Tuy nhiên, vấn đề quy trách nhiệm, theo tôi, Bộ trưởng nói chưa rõ. Ví dụ việc xử lý lỗ của một công ty đầu tư trong lĩnh vực GTVT. Để xử lý lỗ theo quy định của pháp luật thì việc đầu tiên phải quy được trách nhiệm. Khi đã quy được trách nhiệm rồi, thì mới có hướng xử lý. Thế nhưng, theo cách ta thấy hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng "đánh bùn sang ao".


Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm:
Hai quyết định của Bộ Tài chính về việc yêu cầu doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu giảm giá xăng dầu những ngày gần đây cho thấy việc điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước chưa thực sự công bằng. Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định điều hành như vậy nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; song việc các DN xăng dầu chưa tự giác giảm giá bán lẻ khi giá thế giới đã giảm cho thấy, Bộ cần sát sao hơn nữa trong việc quản lý điều hành giá xăng dầu, một mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến đời sống của người dân.

Chị Đinh Thị Tuyết Mai, huyện Đông Anh:
Việc xử phạt quá nhẹ DN không chấp hành quy định niêm yết giá đã khiến các DN không ngần ngại sai phạm trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng cần tăng nặng chế tài xử phạt, đồng thời nâng cao chất lượng việc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng trong lĩnh vực quản lý giá mới mong giá cả các mặt hàng thiết yếu: xăng, giá sữa bột, thép xây dựng… không xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Anh Nguyễn Văn Sinh, quận Hoàng Mai:
Những bất hợp lý liên quan đến tiền lương, thu nhập của lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không thể trả lời một cách đơn giản. Bởi nếu cho rằng mức lương, thu nhập quá cao của lãnh đạo SCIC được dư luận nhắc đến thời gian qua chỉ là "hiểu nhầm" thì phải chăng, bản báo cáo mà Kiểm toán Nhà nước công bố trước đó chưa chuẩn xác? Tôi cho rằng, các ngành chức năng nên có kết luận thỏa đáng về việc này và minh bạch thông tin trước dư luận.

Bà Nguyễn Minh Loan, quận Cầu Giấy:
Nhiều năm qua, ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh vấn đề ý thức của người tham gia giao thông còn kém, thì một trong những nguyên nhân cơ bản khác chính là tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông còn rất chậm, năng lực nhà thầu còn hạn chế. Ngay cả một số dự án do các đơn vị chủ chốt thuộc Bộ GTVT thực hiện như đường Láng - Hòa Lạc, đường Vành đai 3 - Hà Nội… cũng chung tình trạng này. Đặc biệt tại dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đổ tại chậm giải phóng mặt bằng, nhưng thực tế, có nhiều khu vực, đoạn tuyến, sau khi nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương, nhà thầu lại quây rào rồi để đấy, tạo điều kiện cho dân tái lấn chiếm. Thành ra, ùn tắc và tai nạn giao thông dù có giảm nhưng không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Dũng, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng:
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một siêu dự án, có lẽ chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của một đất nước còn nghèo như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu vẫn quyết liệt làm thì Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ để lựa chọn được đối tác phù hợp về nguồn vốn, công nghệ, hình thức đầu tư. Ngay ở các nước phát triển cũng có nhiều loại đường sắt cao tốc, tốc độ càng cao thì mức đầu tư càng lớn. Do vậy, chỉ nên xem xét quyết định đầu tư đường sắt cao tốc Việt Nam ở mức độ vừa phải.

Khánh Ly, Tuấn Khải
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm gặp nhau: Thẳng thắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.