(HNMCT) - Mười lăm năm trước, sự ra đời của hai cuốn sách nhật ký chiến trường Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã gây “sốt” trong làng xuất bản, sau đó trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2005. Cũng từ đó, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 được thành lập và phong trào Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20 được khởi động trên khắp cả nước.
Hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), mới đây, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và Câu lạc bộ Trái tim người lính đã cho ra mắt bộ sách 4 cuốn Nhật ký thời chiến Việt Nam, khổ 16x24 cm, mỗi cuốn dày hơn 1.000 trang.
“Chỉ là cuốn sổ cũ thôi/ Mà như sống lại một thời chưa xa/… Chỉ là trang giấy mỏng manh/ Mà bao hồn lính hóa thành núi sông!” - câu thơ của nhà thơ, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, chủ biên cuốn sách Nhật ký thời chiến Việt Nam, như lời giải thích vì sao những năm gần đây, nhật ký chiến trường là một trong những dòng sách thu hút bạn đọc. Có lẽ bởi không có gì trung thực, chính xác hơn trang nhật ký của những người lính được viết ngay dưới mưa bom bão đạn nơi chiến trường.
Không chỉ lột tả trực diện sự khốc liệt của chiến tranh, những trang nhật ký còn gửi gắm bao ước mơ, tình cảm, nghĩ suy của những con người ngày đêm cận kề cái chết, luôn chuẩn bị tinh thần sẽ không bao giờ được trở về với gia đình, với quê hương. Không ít cuốn nhật ký chiến trường, bởi thế, đã được tái bản nhiều lần, một số cuốn “cháy hàng”.
Mang đến cho bạn đọc một tập hợp khá đầy đủ những dòng nhật ký chiến trường có “tuổi đời” trên dưới nửa thế kỷ, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam giới thiệu trang viết của 30 liệt sĩ, tác giả. Ngoài Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bạn đọc còn có thể tiếp cận nhật ký của liệt sĩ - họa sĩ Hoàng Thượng Lân với Tài hoa ra trận, liệt sĩ - cầu thủ bóng đá Trần Minh Tiến với Trở về trong giấc mơ, liệt sĩ - chiến sĩ Công an vũ trang Nguyễn Minh Sơn với Gửi lại mai sau... Nhiều cựu chiến binh cũng “điểm danh” bằng các trang viết trong bộ sách như cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Thân; cựu chiến binh, trinh sát đặc công Hoàng Công Sơn...
Đặc biệt, bộ sách còn tập hợp trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nhật ký chiến tranh của anh hùng, liệt sĩ, nhà văn Chu Cẩm Phong; Những ngày trong vòng vây của nhà báo Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của liệt sĩ - nhà văn Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký đi B của cố nhà văn Triệu Bôn, Nhật ký vượt Trường Sơn của Tiến sĩ Phạm Quang Nghị...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Bộ sách mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, không ít nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi tôi nghĩ, trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất”.
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.