Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi qua thời bình vẫn như là người lính

Thanh Mai| 16/11/2016 15:12

(HNMO) - “Mẹ thiên nhiên” ngày càng khó hiểu, phức tạp, nên việc ứng phó để vận hành an toàn lưới điện đối với những người lính truyền tải điện Miền Tây 3 cũng vất vả hơn trước.

Trực vận hành tại Trạm biến áp 220kV Châu Đốc cấp điện cho tỉnh An Giang và xuất khẩu điện sang Campuchia.


Bộn bề nỗi lo

Từ khi Châu Đốc trở thành thành phố thì diện mạo thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị được đầu tư đồng bộ. Còn nhớ, năm 2014, khi mới “lên” Thành phố, Châu Đốc như một đại công trường, đường phố ngày càng mở rộng, nhà cửa mọc lên hơn. Bạn bè có dịp về thăm đã ví von: “Châu Đốc đang thay da đổi thịt, phát triển phổng phao như cô gái dậy thì con nhà giàu”.

Châu Đốc đã và đang có những chuyển mình phát triển hợp lý đúng hướng về đầu tư hạ tầng; hệ thống xử lý nước thải hiện đại thay thế cho hệ thống cống của hàng trăm năm trước, việc thi công đồng loạt được triển khai "cuốn chiếu" khá khoa học. Vì công trình nằm sâu trong lòng đất nên ít người cảm nhận hết tác dụng quan trọng của nó đối với môi trường, khi các tuyến đường nội ô đào xới, bụi bặm, trở ngại giao thông thì dân cằn nhằn, mà không biết công trình dân sinh đồ sộ này nhằm nâng chất lượng cuộc sống cho nhân dân; lại được kết hợp đồng bộ với nâng cấp mở rộng đường phố theo quy hoạch, góp phần làm cho bộ mặt thành phố Châu Đốc khang trang theo chuẩn Đô thị loại II.

Mừng cho Châu Đốc nhưng là nỗi lo bộn bề đối với những người làm quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Tốc độ phát triển dân cư, nhu cầu về đất ở, đất canh tác ngày càng cao, tình hình di dân tự do ở một số nơi diễn biến nhanh. Một số khu vực đường dây trước đây không có dân cư như đồng ruộng ít người qua lại, nay trở thành khu vực đông dân cư, có nhiều người sinh hoạt qua lại.

Người dân cất nhà, san nền, lên vườn, đào đắp bờ bao… trong hành lang bảo vệ của lưới điện, làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn đến mặt đất so với khi xây dựng đường dây theo đặc điểm trước đây, thậm chí còn trồng cây phát triển nhanh trong hành lang lưới điện đã vi phạm Nghị định số 14/2014/NĐ-CP làm ảnh hưởng đến việc vận hành cung cấp điện.

Chính quyền sở tại đã hết sức quan tâm hỗ trợ ngành điện nhưng vẫn còn xảy ra các vụ người dân không cho cho chặt tỉa cây trong và ngoài hành lang lưới điện, nên còn khó khăn trong công tác bảo dưỡng và sửa chữa trên lưới điện.

Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 Châu Sóc Kha cho biết, tổng số nhà, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo thuộc địa bàn TTĐ Miền Tây 3 quản lý tính đến tháng 10-2016 là 06 căn (04 căn thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Kiên Giang, 02 căn thuộc địa bàn huyện Tịnh Biên, An Giang). Tồn tại này là do các công trình đầu tư xây dựng mới, các chủ đầu tư chưa xử lý triệt để và do người dân chưa hiểu rõ các quy định của Pháp Luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

TTĐ Miền Tây 3 đã vận động tuyên truyền người dân thông hiểu và tham gia bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, nên có một số hộ đã tự tháo dỡ nhà di dời và có hộ cải tạo lại vật liệu của nhà bằng những vật liệu khó cháy. TTĐ Miền Tây 3 đã đóng tiếp địa các nhà có phần kết cấu kim loại chưa được nối đất để bảo đảm an toàn theo Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp chưa được giải quyết triệt để, một phần là do một số địa phương chưa cương quyết và chưa có biện pháp cụ thể, dẫn đến tình trạng người dân hứa hẹn dây dưa, không giải quyết dứt điểm các vi phạm.

Năm nào TTĐ Miền Tây 3 cũng phối hợp với chính quyền các địa phương có đường dây cao thế đi qua tổ chức tuyên truyền cùng nhân dân tham gia bảo vệ an toàn cho hệ thống lưới điện như: Không trộm cắp, tháo gỡ phụ kiện lưới điện; không xây dựng nhà cửa, các công trình trong hành lang đường dây không đạt theo Nghị định của Chính phủ; không đốt nương rẫy trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; không thả diều, ném các vật gây sự cố cho đường dây; không sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động mạnh hoặc gây hư hỏng cho công trình lưới điện… Những nơi nào Chính quyền sát sao và nghiêm khắc thì không xảy ra tình trạng vi phạm hoặc sự cố chủ quan. Ngược lại, nơi nào buông lỏng thì ý thức của người dân không cao, vẫn còn trồng cây dưới đường dây, thậm chí còn trồng cây phát triển nhanh.

Nghề truyền tải giống như người nông dân luôn trong tư thế phải “trông nhiều bề”: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Từ quan sát, diễn biến thực tế, họ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để có phương pháp tuyên truyền hợp vùng, miền. Khi thiên nhiên không còn ôn hòa như trước, người lính truyền tải đối mặt nhiều vất vả hơn.

Theo Truyền tải điện Miền Tây 3, trên địa bàn tỉnh An Giang có 01 trạm biến áp 220 kV Châu Đốc, có 03 tuyến đường dây truyền tải 220kV với tổng số 376 trụ đi qua 02 thành phố và 04 huyện. Trong đó có 01 đường dây 220kV Châu Đốc - TaKeo cung cấp điện cho nước bạn Campuchia được kết nối từ Trạm 220kV Châu Đốc (An Giang) đến Trạm 220kV TaKeo (Campuchia). Trên địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện có 02 tuyến đường dây Truyền tải điện cấp điện áp 220kV đi qua với tổng số 89 trụ điện trải dài trên địa bàn các xã, thị trấn gồm: xã An Nông, An Cư, Văn Giáo, An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn và Thị trấn Tịnh Biên.

Trong khi đó, Tịnh Biên là huyện biên giới nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến đường dây đa phần nằm ở khu vực ruộng lúa với nhiều kênh rạch chằng chịt, vì vậy việc đi lại kiểm tra rất khó khăn, nhất là vào mùa lũ. Quả là khi thiên nhiên không còn ôn hòa, người lính truyền tải điện phải tìm cách theo sát thực tế để hoàn thành nhiệm vụ.

Nỗi lòng người lính truyền tải

Kiểm tra an toàn hành lang tuyến đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo cấp điện sang Campuchia. Ảnh: Ngọc Hà


Nhiều người vẫn nghĩ, cuộc sống của người làm công tác truyền tải là cột kèo, dây dẫn; là ki-lô-oát, ki-lô-vôn; là tổn thất; là vi phạm hành lang…họ không có thời gian dành cho sự lãng mạn. Nhìn bề ngoài thì góc cạnh, phong trần sương gió, trầm ngâm…họ không có dáng vẻ của công cức, viên chức… Nhìn thì vậy, mà bên trong không phải vậy.

Nhiều năm gắn bó người với những người lính truyền tải, tôi nhận ra rằng, họ là những người rất nặng tình, nặng nghĩa, họ yêu đất nước qua từng công việc mà họ hoàn thành. Họ yêu quê hương từ những dòng sông mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng sông biêng biếc vẫn lặng lờ trôi, những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa, mù mù khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xóa sương mù sau tết, tiếng chuông chùa thăm thẳm canh khuya…

Họ như cây “lúa sạ”, một giống lúa diệu kỳ, nước càng dâng cao lúa càng cao hơn nước. Dòng Cửu long vượt thác ghềnh, băng băng dồn nước xuống vườn ruộng An Giang. Nước tràn sóng cuộn ào ạt như Thủy Tinh lên cơn thịnh nộ. Nước cuốn trôi làng xóm. Nước bứng đi nguyên cả cánh đồng lúa khổng lồ. Nếu những người lính truyền tải sông nước miền Tây không sống khỏe không vươn cao như cây lúa sạ, thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện cáo áp giữa bốn bề mênh mông sống nước, kênh rạch và gió chướng... các tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiện Giang đều ngay đầu nguồn, chịu sóng đập nước xô, người lính truyền tải như cây lúa sạ đã sống kiên cường trên mảnh đất sông nước này.

Tháng 11, miền Tây đang là mùa lũ, mực nước lũ lên cao làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn điện đến mặt đất tự nhiên. Những người lính truyền tải lại cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền đến các hộ dân và các phương tiện cơ giới trên địa bàn khi di chuyển, thi công nạo vét kênh hoặc đánh bắt thủy sản phải bảo đảm khoảng cách an toàn lưới điện.

Họ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn vi phạm, ngăn ngừa sự cố hơn là xử lý.

Những cơn gió chướng man mác đầu mùa gợi nhớ lời bài hát của Nhạc sĩ An Thuyên:

“Chúng tôi đi, qua bao mưa nắng, qua bão qua giông,
Làm bạn cùng mây trời, và chúng tôi đi.
Đi qua chiến tranh nay trong thời bình vẫn như là người lính.
Truyền tải điện Việt Nam, truyền những niềm tin yêu,
Tải năng lượng cuộc sống, hạnh phúc đến muôn nhà.
Truyền tải điện Việt Nam, mạch máu của Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi qua thời bình vẫn như là người lính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.