Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di dời trạm thu phát sóng trên đất công: ''Thiệt đơn, thiệt kép''

Việt Nga| 28/06/2020 05:46

(HNMO) - Hiện có 7.700 vị trí trạm thu phát sóng di động (BTS) đã được các nhà mạng lắp đặt trên trụ sở công, công trình công, địa điểm công. Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2018), các trạm BTS sẽ phải di dời. Điều này sẽ gây “thiệt đơn, thiệt kép”, bởi không chỉ Nhà nước tốn kém hàng nghìn tỷ đồng mà việc cung cấp dịch vụ di động của các nhà mạng cũng gặp khó khăn...

Để triển khai mạng 5G phục vụ chuyển đổi số quốc gia, các nhà mạng cần nhiều vị trí lắp đặt BTS.

Tốn kém chi phí và gián đoạn dịch vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng và Kết nối thuộc Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mạng viễn thông di động tại Việt Nam triển khai từ năm 1993 đến nay có khoảng 100.000 vị trí trạm BTS. Trong đó, doanh nghiệp triển khai 7.700 vị trí trên đất công (tại trụ sở công như UBND và khu vực thuộc quân đội, công trình công như công viên, tuyến đường, phố)...

Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tại Khoản 2 Điều 10 quy định nghiêm cấm "sử dụng tài sản công không đúng mục đích" và tại Khoản 5 Điều 10 quy định nghiêm cấm "sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao". Như vậy, theo các quy định của luật trên thì số phận của các trạm BTS mà nhà mạng lắp đặt trong nhiều năm qua là chưa rõ ràng...

Trong số 7.700 trạm BTS như đã nêu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có khoảng 2.000 trạm - chiếm 7% tổng số trạm hiện có; Tổng công ty Viễn thông MobiFone có hơn 600 trạm; còn lại chủ yếu là của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel và một số ít của nhà mạng nhỏ khác.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, nếu phải di dời trạm BTS khỏi khu vực công, các nhà mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước hết nhà mạng phải tìm kiếm vị trí thay thế trong khi phải bảo đảm quy hoạch viễn thông thụ động hiện đã duyệt, thêm nữa việc triển khai xây dựng mới không dễ vì có thể gặp sự phản ứng của người dân. Đặc biệt, quá trình di dời trạm làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ di động, nhất là với các cơ quan nhà nước và người dân. Ngoài ra, việc di dời trạm BTS cũng khiến nhà mạng bị tốn kém chi phí không nhỏ, chẳng hạn với VNPT, ước tính phải chi tối thiểu 720 tỷ đồng để di dời và lắp mới cho 2.000 trạm. 

Cùng quan điểm, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, với số lượng hàng nghìn trạm BTS trên đất công từ trước đến nay, nếu phải di dời và xây mới, Viettel ước tính tốn chi phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thêm nữa, do ban đầu khi xây dựng trạm BTS, nhà mạng đều có thiết kế tối ưu lựa chọn vị trí theo nguyên tắc trạm BTS này hỗ trợ trạm BTS kia để phủ sóng dịch vụ cung cấp tới khách hàng nên nếu di dời, không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhà nước mà còn ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp chất lượng mạng.

MobiFone là nhà mạng tiên phong xây dựng trạm BTS thân thiện với môi trường tại các địa điểm công cộng ở Hà Nội.

Tìm giải pháp hợp lý

Tìm giải pháp cho vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm đề xuất: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét, ban hành quy định cho phép tiếp tục lắp đặt, xây dựng các trạm viễn thông, cột ăng ten, thiết bị viễn thông trên trụ sở công, công trình công, địa điểm công. Các bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn chung về việc thuê đất, sử dụng hạ tầng trên đất công, nhà công để xây dựng công trình thông tin liên lạc".

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng và đại diện MobiFone cũng đề xuất, Chính phủ sớm cho phép các nhà mạng giữ nguyên hiện trạng các trạm BTS như hiện nay, đồng thời có cơ chế phù hợp để nhà mạng tiếp tục bảo đảm chất lượng phát sóng cung cấp dịch vụ tới khách hàng cả nước.

Đồng tình với kiến nghị của nhà mạng, ông Giang Văn Thắng nêu rõ, nếu di dời các trạm BTS trên đất công sẽ không bảo đảm được khả năng phủ sóng. Hơn nữa, mạng 5G có vùng phủ sóng hẹp khi mỗi trạm BTS chỉ phủ sóng trong bán kính 20-100m (khác với 2G, 3G, 4G có thể phủ sóng từ 2-15km). Do vậy, nếu phải di chuyển trạm BTS trên đất công, nhà mạng sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai mạng 5G thời gian tới.

Cũng theo ông Giang Văn Thắng, tại Điểm b Khoản 4 Điều 13 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định, Chính phủ có quyền hạn "Quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định: Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị". Trong khi đó, trạm BTS là công trình viễn thông phục vụ liên lạc thiết yếu, thiết bị nhỏ gọn được Luật Viễn thông, Luật Xây dựng cho phép và ưu tiên lắp đặt. Như vậy, Chính phủ có thể hướng dẫn về việc lắp đặt trạm BTS trên đất công. 

Trước đó, ngày 29-4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có Tờ trình số 26/TTr-BTTTT đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề trên. Trong đó, Bộ cũng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp lắp đặt BTS trên đất công, tạo điều kiện cho nhà mạng bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách hàng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di dời trạm thu phát sóng trên đất công: ''Thiệt đơn, thiệt kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.