(HNM) - Trở về sau chuyến thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty THcom và là kiều bào đang sinh sống tại Bulgaria - còn nhiều trăn trở.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tiến cho biết, sẽ kêu gọi bà con kiều bào có những đóng góp thiết thực thể hiện tình cảm và sự quan tâm với các chiến sỹ, đồng bào ta tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Tiến trao đổi với Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây. |
- Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình sau chuyến thăm Trường Sa?
- Trước chuyến đi này, tôi đã đọc rất nhiều sách báo nói về Trường Sa, về lịch sử quần đảo này. Nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Đời sống ngoài huyện đảo còn rất nhiều khó khăn. Nhưng thật đặc biệt, điều đó không ảnh hưởng tới tinh thần của anh em chiến sỹ đang làm nhiệm vụ. Tôi rất xúc động khi được trực tiếp nói chuyện với nhiều cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, những người đầy nhiệt huyết và luôn sẵn sàng bảo vệ biển đảo quê hương. Tôi mong rằng, bà con trong đất liền và các kiều bào ở nước ngoài có sự quan tâm, động viên hơn nữa để các chiến sỹ thêm vững lòng canh giữ chủ quyền đất nước.
- Là giám đốc công ty chuyên kinh doanh sản phẩm phân bón lá Lactofol từ Bulgaria, ông đánh giá thế nào về điều kiện trồng trọt ở Trường Sa?
- Thực sự mà nói, khi chưa đến Trường Sa, chúng tôi không thể nắm hết được số lượng, mật độ các loại cây trồng ngoài đó. Ra đến nơi, tôi nhận thấy việc trồng trọt ở đây gặp rất nhiều hạn chế. Đất trồng, phân bón phải mang từ trong đất liền ra. Diện tích canh tác có chỗ chỉ bằng cái bàn làm việc. Quá trình chăm sóc cây trồng cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt để tưới, thiếu đất để trồng mà còn phụ thuộc vào thời tiết. Vì thế, khi trồng các loại rau cũng tùy thuộc vào từng mùa hoặc điều kiện địa lý của từng đảo... Nhìn chung, bộ đội và người dân phải nỗ lực gấp nhiều lần so với ở đất liền mới có rau xanh phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Trong chuyến thăm Trường Sa vừa rồi, tôi đã tặng huyện đảo 500 lít chế phẩm phân bón lá - khoáng - vi sinh. Tôi nghĩ, đây là món quà thiết thực, thể hiện tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc của bà con kiều bào Việt Nam ở Bulgaria.
- Những suy nghĩ của ông khi quyết định đầu tư về Việt Nam?
- Trong lúc vất vả bươn trải kiếm sống ở nước ngoài, chúng tôi luôn mong sớm có một ngày quay trở lại và đóng góp cho quê hương. Thực sự, ý tưởng đầu tư về nước đã hình thành trong tôi từ rất lâu vì đi đâu cũng không bằng quê hương mình. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lớn lao động trẻ và là một thị trường đầy tiềm năng. Nhưng mãi đến năm 2010, tức là gần 30 năm xa quê, tôi mới có đủ điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng đó. Hiện giờ, Công ty THcom của tôi đang tìm cách mở rộng thị phần sản phẩm phân bón Lactofol tại thị trường Việt Nam.
- Vậy ông có gặp khó khăn khi đầu tư về Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng cái gì cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan. Công ty của chúng tôi ở Việt Nam mới hoạt động chưa lâu nên chắc chắn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tôi rất vui mừng khi thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, khuyến khích bà con kiều bào đầu tư về nước. Nhưng tôi cũng mong rằng quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư Việt kiều tham gia vào thị trường trong nước, góp phần xây dựng quê hương.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.