(HNNO) - Theo ý kiến của ngành dệt may Việt Nam, về lâu dài, khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng xuất vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam.
Theo ý kiến của ngành dệt may Việt Nam, về lâu dài, khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng xuất vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động, bám sát diễn biến thị trường, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tháng 8, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. |
Trước diễn biến phức tạp của việc điều chỉnh giảm giá của đồng nhân dân tệ, tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp trong ngành da giầy cũng được khuyến cáo cần phải bám sát diễn biến thị trường để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống kê của Bộ Công thương cho biết, sản lượng giầy, dép da tháng 8 ước đạt 32 triệu đôi, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 8 ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng năm 2015, sản lượng giầy dép da ước đạt 216 triệu đôi, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Mặc dù có ảnh hưởng từ việc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ với việc nhập khẩu phân bón nhưng các nhà sản xuất phân bón nội địa tại Việt Nam được đánh giá là đang có lợi thế, nhất là nhà máy sản xuất Urea và DAP. Dự báo thị trường phân bón trong thời gian tới sẽ xác lập một mặt bằng giá mới với xu hướng thuận lợi cho các nhà sản xuất phân bón nội địa.
8 tháng đầu năm 2015, ước sản lượng phân đạm urê đạt 1.431,3 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2014; phân NPK khoảng 1.675,4 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân ure 8 tháng đầu năm ước đạt 375,3 nghìn tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, sản lượng phân NPK ước đạt 1.185,3 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu phân bón 8 tháng đầu năm 2015 tăng 15,7% về số lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Trong tháng, các nhà máy sản xuất đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc đều tạm ngừng hoạt động một thời gian để bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, do có sự chủ động trong sản xuất và tích trữ của các doanh nghiệp phân bón trong nước nên không có tình trạng khan hàng; tiêu thụ phân bón trong nước giảm chủ yếu do không phải mùa vụ chăm bón cho cây trồng nên sức mua yếu; giá các loại phân bón giảm nhẹ.
Nhìn chung, trước biến động của việc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ và cả USD gần đây, các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam đều phải tính toán lại hoạt động sản xuất của mình, nhất là với những ngành sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc bị cạnh tranh bởi hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.