(HNM) - Từ Thủ đô Hà Nội, vượt quãng đường dài hơn 800km, từ Đông sang Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ của hai đất nước anh em Việt - Lào, qua cả thủ đô Viêng Chăn của nước bạn, điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình tình nguyện của Đoàn Thanh niên Hà Nội là ngôi trường nhỏ Na Khuoai thuộc huyện Saysettha...
34 thành viên gồm các cán bộ cơ quan Thành đoàn, các y, bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội, các chuyên gia trẻ trong lĩnh vực chăn nuôi, thanh niên tình nguyện, sinh viên… đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đã sớm gắn bó với mục tiêu chung, mang nhiều ý nghĩa. Nhiều bạn trẻ cũng có đôi chút lo lắng, bởi đây là chuyến đi xa đầu tiên và dài ngày, nhưng sự háo hức hiện rõ trên nét mặt. Ai cũng muốn đến Viêng Chăn thật nhanh. Trong ngày hành trình đầu tiên, ngồi cạnh tôi là cô gái nhỏ nhắn. “Em là Trang, công tác tại Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội. Em sẽ dạy những điệu dân vũ Việt cho các em học sinh. Em muốn đưa âm nhạc của nước mình đến với bạn thông qua các điệu nhảy đơn giản và thân thuộc nhất. Bởi âm nhạc luôn giúp rút ngắn khoảng cách giữa con người với nhau” - Trang cho biết. Nhiều bạn khác cũng giống như tôi, hồi hộp vì chuyến đi xa và đặc biệt lại là chuyến đi tình nguyện mang ý nghĩa thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó, gần gũi của tuổi trẻ hai nước Việt - Lào. “Tôi là Huân ở Bệnh viện Phổi trung ương. Chuyến hành trình này đối với mình chắc chắn rất thú vị, bởi không chỉ mang lại niềm vui, sự gắn kết mà còn giúp thu lượm thêm nhiều kiến thức bổ ích” - một bạn nam ngồi hàng ghế phía trên quay xuống góp chuyện…
Các tình nguyện viên Việt Nam trò chuyện với học sinh Trường THCS Na Khuoai. |
6h sáng chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. Thủ tục xuất cảnh được thực hiện nhanh gọn. Nhiều thành viên trong đoàn tranh thủ đổi tiền đồng sang tiền kíp của bạn để thuận tiện khi muốn chi tiêu, mua bán. Từ cửa khẩu Cầu Treo của Việt Nam sang cửa khẩu Nậm Phao của Lào là từ phía Đông sang phía Tây của dãy Trường Sơn mà cứ như đi từ huyện này sang huyện khác của miền núi Tây Bắc. Qua cửa khẩu nước bạn, chúng tôi đi trên những con đường trải nhựa chỉ đủ 2 xe ô tô tránh nhau, nhiều đoạn đường uốn lượn qua những con đèo quanh co, kẹp giữa một bên là vực sâu, một bên là núi cao. Có những đoạn đường mới bắt đầu trải nhựa, làm cầu. Cảnh vật vắng lặng, thưa thớt người qua lại. Những ngôi nhà sàn của người dân Lào thâm thấp, nép dưới những hàng cây xanh ngắt. Đi khoảng 50km thì hết đường đèo dốc, đất nước Lào trong mắt tôi hiện ra với sự thanh bình, êm ả trải dài như bao làng quê Bắc Bộ. Anh lái xe tên Minh, người đã có thâm niên công tác ở Thành đoàn Hà Nội, từng cùng các đoàn thanh niên tình nguyện đi sang Lào 9 lần, nói với tôi: "Em cứ sang đây rồi biết. Người Lào thân thiện hiền hòa. Họ mộc mạc, bình dị và rất nhiệt tình. Mỗi lần đi khung cảnh mỗi khác, nhưng con người bao năm thì vẫn vậy”.
Vùng đất lạ mà quen
Nước Lào đang vào mùa mưa. Mưa trải dài suốt chặng đường gần 400km từ cửa khẩu Nậm Phao về đến thủ đô Viêng Chăn. Những cơn mưa dài, ngắn, xen giữa những cơn nắng vội. Càng vào gần Viêng Chăn, các con đường dần trở nên nhộn nhịp. Rất nhiều ô tô nhưng không có cảnh chen lấn, mọi thứ cứ chậm rãi, chậm rãi… Cả chặng đường dài, chúng tôi chỉ gặp duy nhất một chốt cảnh sát giao thông. Không có một tiếng còi xe. Con đường trục chính mang tên vị lãnh đạo nổi tiếng của Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane dẫn đến Khải hoàn môn Patuxay, công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng của thủ đô Viêng Chăn đông đúc nhưng ngăn nắp.
Sau tuyến đường nhựa êm ả từ Viêng Chăn đến trung tâm huyện Saysettha, xe của chúng tôi rẽ vào con đường đất dẫn đến Trường THCS Na Khuoai dài hơn 1km, sau trận mưa, đất nhão nhoét, bùn ngập bánh xe, đọng thành vũng bắn tóe tung. Ngôi trường THCS Na Khuoai của huyện Saysettha giống như bao ngôi trường của miền núi Việt Nam. Dưới tán cây dương liễu là những lớp học mái tôn lúp xúp. Ngôi trường rộng khoảng hơn một nghìn mét vuông. Bãi cỏ xanh lớn ở giữa có cầu môn để học sinh chơi bóng đá và cũng là sân trường. Góc sân có mấy cây táo và vú sữa, chẳng khác gì ngôi trường làng tôi học hồi nhỏ. Những học sinh Lào nét mặt hiền hòa dễ mến, mặc đồng phục đứng thành hàng, rất nghiêm ngắn. Một nhóm học sinh ra tận cửa xe đón chúng tôi.
"Sa ba đi... Sa ba đi...". Sau màn chào hỏi, những tràng pháo tay và tiếng cười nói rộn ràng xua tan cảm giác mệt mỏi của chặng đường dài. Những cô bé, cậu bé mắt xoe tròn, da ngăm đen, tay cầm sẵn những vòng hoa kết từ bông chăm pa, vạn thọ để trao tặng khách quý. Chúng tôi bắt chuyện với nhau rất nhanh. Cô bé Lạ còn giới thiệu thêm một số bạn cùng lớp. Bạn này tên Pa Van, bạn này tên Khan Lạ… Tôi đã biết nói "Cảm ơn", "Xin chào" bằng tiếng Lào. Vui nhất là đoạn các em giúp chúng tôi chuyển hàng hóa, thuốc, quà tặng và cả đồ ăn vào các lớp học. Tình nguyện viên và học sinh đứng đan xen theo hàng dài từ cửa xe vào lớp, tiếng cười nói rộn vang cả góc sân trường. Cậu bé Khan Lạ, học sinh lớp 5, lúc trước hỏi tên mãi mới nói, giờ rất nhanh nhẹn đứng hàng đầu tiên chung tay cùng các anh chị tình nguyện bê vác hàng hóa.
Buổi chiều, mặc trời mưa rả rích, các nhóm tình nguyện chúng tôi bắt tay chuẩn bị công việc cho ngày mai. Nhóm vẽ tranh, trang trí trường học đo đạc, phác thảo tranh trên các bức tường trong lớp học. Phạm Quỳnh Anh, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, cô gái xinh xắn, dễ thương nhất đoàn tình nguyện nói với tôi: "Thích quá chị ạ, trường nhỏ nhưng khuôn viên xanh mát cho em rất nhiều cảm hứng để vẽ”. Các bạn tình nguyện viên của thủ đô Viêng Chăn được cử đến trợ giúp chúng tôi rất nhiệt tình. Chàng trai Lee Khang, bác sĩ thú y từng là du học sinh tại Việt Nam, hiện đang làm việc trong ngành Nông nghiệp Lào kiên nhẫn hướng dẫn chúng tôi cách lắp đặt sim 3G, dạy chúng tôi nói một vài câu tiếng Lào cơ bản. Còn bạn Bun Tha Vi thì tất bật lo chỗ ăn, ngủ… Không khí thân thiện, hào hứng lan rộng khắp trường.
Buổi tối đầu tiên ở lại trường, Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, ngồi đệm đàn guitar cho các tình nguyện viên hai nước hát những bài hát ca ngợi tình hữu nghị keo sơn gắn bó của hai nước anh em không cần biết đến thời gian. Giữa khung cảnh thanh bình của miền quê Lào yên tĩnh, tiếng đàn bập bùng trong đêm, tiếng hát của các chàng trai, cô gái Lào-Việt cứ quyện vào nhau cao vút, xao động. Có lẽ đúng như lời Trang, cô giáo trẻ dạy dân vũ, âm nhạc đã khiến mọi người xích lại gần nhau, không còn khoảng cách về ngôn ngữ hay dân tộc.
Đến gần nửa đêm, cả ngôi trường chìm vào giấc ngủ nhưng vẫn văng vẳng bên tai tôi câu hát “Hà Nội - Viêng Chăn… Xa ma ki, xa ma ki… Mối tình ta vững bền… Thương nhau, vui buồn bên nhau… Tình nghĩa sâu hơn nước Hồng Hà…”. Ngày mai chắc chắn lại là một ngày ngập tràn cảm hứng của chuyến hành trình thú vị đang chờ đón…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.