Chính trị

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024): Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà

Phan Thế Hải 26/03/2024 - 06:11

Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên.

Bác đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người kỳ vọng: Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước.

tn2.jpg
Ngày 12-1-1967, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội thi đua các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: TTXVN

Đặt niềm tin tuyệt đối vào thanh niên

Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời với bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài nhưng trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán, Người đã dành những lời tâm huyết cho thanh niên: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Trong thư gửi Hội nghị Thanh niên Việt Nam ngày 17-8-1947, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho cái tương lai đó”. Từ một mệnh đề ngắn gọn, Người không chỉ đặt niềm tin vào thanh niên mà còn giao trọng trách cho thế hệ trẻ.

Thực ra thì quan điểm của Hồ Chí Minh về thanh niên không chỉ được thể hiện khi Nhà nước Việt Nam mới ra đời. Trước đó hơn 20 năm, Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra đời vào tháng 6-1925, trước khi thành lập Đảng Cộng sản.

Cũng chính từ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam, Người đã chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Điều này cho thấy tầm nhìn xa của Người về vai trò, sứ mệnh của thanh niên. Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam không chỉ đóng vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng mà còn tỏ rõ một lực lượng hùng hậu trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Từ thực tiễn của bản thân, khi còn là một thầy giáo ở trường Dục Thanh, Phan Thiết cho đến khi lên tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba hoạt động ở nước ngoài và khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã đúc rút được chân lý: Muốn thức tỉnh một dân tộc, muốn tiến hành một cuộc đấu tranh để giải phóng, thì trước hết phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Từ đó, Người đã đặt niềm tin tưởng vào thanh niên, coi vận mệnh của dân tộc, sự hưng thịnh hay suy vong của dân tộc Việt Nam tùy thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ thanh niên.

Thấu hiểu nỗi khổ đau, lầm than của một dân tộc nô lệ nên Người cho rằng, việc giải phóng dân tộc phải bắt đầu bằng “khai dân trí”. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách hiểm nghèo: Sản xuất đình đốn, nạn đói hoành hành, gần 2 triệu người chết đói, hơn 90% dân số mù chữ, tài chính quốc gia trống rỗng..., các thế lực thù địch âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, Người đã nêu ra ba kẻ thù phải tiêu diệt, ấy là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.

Diệt giặc đói thì đúng rồi, trong bối cảnh mất mùa, người dân thiếu đói phiêu bạt đi ăn xin với hàng triệu người chết vì thiếu ăn. Nhưng có một thứ giặc nguy hiểm không kém, đó là giặc dốt. Người xếp giặc dốt cũng nguy hiểm không kém giặc đói và giặc ngoại xâm. Theo Người, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Muốn cho dân tộc mạnh, không yếu, không hèn thì phải bắt đầu bằng giáo dục. Mà giáo dục lại bắt đầu từ tuổi trẻ. Hồ Chí Minh kỳ vọng vào tuổi trẻ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường. Khẳng định một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam của một nước độc lập sẽ khơi dậy những năng lực tiềm tàng sẵn có của người học. Sự thức tỉnh ý thức dân tộc sẽ giúp cho việc xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại và phải theo kịp các nước trên hoàn cầu.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Với tư tưởng nhất quán “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, Người thường xuyên nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên gắn với sứ mệnh chấn hưng dân tộc. Theo Người, thanh niên muốn xứng đáng là người chủ tương lai thì ngay hiện tại phải rèn luyện, phải làm việc, phải chuẩn bị cả tinh thần và lực lượng. Người có những lời dặn chung và những lời dặn riêng đối với từng nhóm thanh niên theo tính chất nghề nghiệp, nhiệm vụ. Thanh niên là phải hành động, nói ít làm nhiều, tuyệt đối không kiêu ngạo, tự mãn. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm. Là một bộ phận của dân tộc, nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học; học phải đi đôi với hành để yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức vì mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là làm trọn nhiệm vụ của người chủ nước nhà.

Với việc đặt niềm tin tuyệt đối vào thanh niên, Hồ Chí Minh mạnh dạn giao trọng trách cho những trí thức trẻ tuổi. Trong Chính phủ cách mạng hồi mới thành lập có nhiều bộ trưởng trẻ tuổi như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm... Nhiều nhân sĩ, trí thức như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Ngô Thúc Lanh, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa)... đều được Hồ Chí Minh trọng dụng khi còn trẻ tuổi.

Tư tưởng khai dân trí của Hồ Chí Minh không chỉ nhằm vào việc khích lệ, thúc đẩy thanh niên học tập thành tài, mà hơn thế còn trọng dụng họ và giao cho họ trọng trách.

Không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo lời Bác dạy

Trong bản “Di chúc” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kỹ càng mọi việc đối với Đảng, với nhân dân, trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên.

Trong “Di chúc”, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”... “Đoàn viên và thanh niên nói chung là tốt, mọi việc hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội”. Đây chính là tổng kết lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo và chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nhân loại đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đây được coi là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vươn lên tiến kịp các nước tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ. Trong tiến trình đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam trong đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng này. Vì vậy, học tập và nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của thanh niên Việt Nam là hết sức cấp thiết trong giai đoạn này nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao phục vụ quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Để thực hiện được mong ước của Bác Hồ, mỗi thanh niên Việt Nam phải luôn không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn “Dưỡng tâm trong - Rèn trí sáng - Xây hoài bão lớn”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững thành quả cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024): Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.