Vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 hằng năm, du khách trên khắp thế giới lại háo hức rủ nhau đến Nhật Bản để ngắm hoa anh đào và khám phá những nét văn hóa độc đáo chỉ có ở đất nước Mặt trời mọc.
Mùa hoa anh đào tuy ngắn ngủi nhưng cũng kịp khoác lên khắp các thành phố, miền quê sắc hoa trắng hồng tinh khôi, thanh bình và gieo vào lòng du khách những cảm xúc đáng nhớ.
Hòa mình vào những “bữa tiệc hanami”
Hanami trong tiếng Nhật có nghĩa là “ngắm hoa”, thường được dùng để chỉ nét văn hóa thưởng hoa anh đào của người Nhật đã hình thành từ hơn một thiên niên kỷ trước. Người Nhật có hơn 70 thuật ngữ để mô tả chính xác các giai đoạn và hiện tượng văn hóa khác nhau liên quan đến mùa hoa anh đào. Sự xuất hiện của hoa anh đào báo hiệu cho sự khởi đầu của một năm học, năm tài chính mới tại Nhật Bản, thường vào ngày 1-4 hằng năm.
Mặc dù hoa anh đào chỉ nở rộ trong khoảng 1 - 2 tuần, nhưng du khách không vì thế mà bớt đi cơ hội thưởng hoa, bởi loài hoa này tuần tự nở tại các vùng khác nhau, tùy theo điều kiện khí hậu và địa lý mỗi nơi. Hoa anh đào thường nở sớm nhất tại đảo Kyushu ở phía nam vào tháng Ba và tiến dần về phía bắc, đi qua các vùng Kansai, Kanto của Honshu - hòn đảo lớn nhất Nhật Bản vào đầu tháng 4. Nếu không đến được vào thời gian này, du khách có thể ngắm hoa ở Tohoku, vùng cực bắc của Honshu vào đầu tháng 5.
Vào dịp hoa anh đào nở, khắp nơi khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng như tranh vẽ. Đây là thời điểm khách du lịch đổ về những vùng có nhiều hoa anh đào, đặc biệt là công viên Yoyogi ở thủ đô Tokyo. Dịp hoa anh đào nở rộ, công viên không chỉ thu hút du khách mà cả người dân cũng tranh thủ hẹn nhau tới “bữa tiệc hanami”. Họ đi theo từng nhóm nhỏ, ngồi dưới tán hoa anh đào, vừa ngắm hoa vừa thưởng thức những món nướng, nhấm nháp rượu sake. Nhiều người còn ở lại khi trời tối để ngắm cảnh yozakura - hoa anh đào được chiếu sáng vào ban đêm.
Một trong những điểm ngắm hoa anh đào đẹp khác là công viên Hirosaki ở tỉnh Aomori. Công viên này là một không gian xanh rộng 50ha, nơi có 2.500 cây anh đào bừng nở. Đây từng là khuôn viên của lâu đài Hirosaki có niên đại 200 năm. Có thể thấy những dấu tích của lâu đài cũ qua những con đường lát đá cẩm thạch, những con hào và những cây cầu vòm nên thơ.
Đến Nhật Bản mà không tận mắt ngắm núi Phú Sĩ thì quả là thiếu sót. Để có trải nghiệm “2 trong 1”, du khách hãy đến với Phú Sĩ Ngũ Hồ (5 hồ nằm quanh chân núi Phú Sĩ) ở tỉnh Yamanashi, chọn một chỗ đứng hoàn hảo từ ngôi chùa cổ Chureito để ngắm “biển” hoa anh đào nở hồng rực trên nền màu xanh thẫm phủ tuyết trắng của núi Phú Sĩ ở phía xa.
Công viên Maruyama ở Kyoto được coi là điểm ngắm hoa anh đào hàng đầu với nhiều trải nghiệm phong phú. Giữa công viên có Gion Shidare-zakura - nơi các geiko (geisha) biểu diễn dưới cây “Anh đào khóc” - biểu tượng của công viên. Chiều cao của cây lên tới 10m với những cành hoa sai trĩu, uốn cong duyên dáng sà xuống mặt đất. Từ hoàng hôn đến nửa đêm, đây là sân khấu tuyệt vời với ánh sáng đèn huyền ảo và những tiết mục nghệ thuật truyền thống được trình diễn bởi các geiko điệu nghệ.
Những trải nghiệm nhất định phải thử
Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục mỗi mùa, Nhật Bản còn là quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc, là sự pha trộn hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại. Vì thế, du khách nên dành vài ngày để khám phá những sắc màu văn hóa của xứ Phù Tang.
Một trong những trải nghiệm lý thú nhất phải kể tới cảm giác hồi hộp khi xem những trận đấu trực tiếp giữa các võ sĩ sumo. Sumo là một môn võ cổ truyền mang tính văn hóa và tôn giáo đậm nét, có lịch sử lâu đời nhất thế giới, bắt nguồn từ đầu thời kỳ Nara (năm 710 - 794). Tại Nhật Bản, hằng năm có 6 sự kiện sumo trực tiếp, ba trong số đó diễn ra tại Ryogoku Kokugikan - đấu trường thể thao trong nhà ở Tokyo - vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9. Để được trực tiếp xem những trận đấu gay cấn, du khách nên đặt trước vì vé thường bán hết rất nhanh.
Tokyo là nơi tuyệt vời để khám phá các môn nghệ thuật mang giá trị truyền thống sâu sắc. Du khách hãy mua vé vào xem một vở kịch kabuki (khiêu vũ sân khấu) tại nhà hát Kabuki-za ở Ginza - một trong những quận sầm uất nhất Tokyo; thưởng thức món kaiseki được trình bày cầu kỳ như một tác phẩm nghệ thuật và xem biểu diễn geisha ở khu phố cổ Asakusa...
Đời sống tâm linh của người Nhật vô cùng phong phú, thể hiện qua hệ thống đền, chùa có mặt ở hầu khắp các địa phương. Trong số đó có không ít những ngôi chùa gần 1.000 tuổi, điển hình như chùa Senso-ji nổi tiếng linh thiêng và là điểm tham quan mang tính biểu tượng của Tokyo. Nếu muốn khám phá những bí mật của Thần đạo, du khách hãy tới Shinto - ngôi đền có quy mô lớn nhất Tokyo. Nơi đây nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn tiếp cận, du khách phải đi qua một con đường rừng dài. Các đền thờ bằng gỗ nằm giữa một khuôn viên rộng lớn, được bao quanh bởi cánh cổng cao chót vót và những khu vườn phủ dày cây xanh.
Sau những ngày tham quan, trải nghiệm dài, du khách hãy dành thời gian hồi phục sức khỏe bằng việc nghỉ ngơi, thư giãn trong một ryokan (nhà nghỉ có các khu onsen - suối nước nóng). Đây là một hình thức lưu trú truyền thống chỉ có ở Nhật Bản. Bước vào một ryokan, chào đón du khách là hương thơm từ những chiếc đệm
tatami được làm bằng rơm khô ép hay loại cỏ siêu mềm Igusa, là tách trà ấm nóng trong phòng, hay thưởng thức washoku - ẩm thực truyền thống bản địa đã được ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO. Sau đó, du khách có thể thoải mái ngâm mình trong dòng nước nóng bốc hơi nghi ngút bắt nguồn từ lòng núi lửa để cơ thể tìm lại được cảm giác thư giãn, thoải mái nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.