Giao thông

Đến 2025, tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác 16 dự án trọng điểm

Lương Ninh Giang 16/11/2023 - 17:29

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Kế hoạch số 272/KH-UBND ngày 15-11-2023 về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm thành phố giai đoạn 2021-2025.

cau-vinh-tuy.jpg
Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác đang phát huy hiệu quả.

Tổng số dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025 sau khi được HĐND thành phố Hà Nội thông qua là 42 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 353.192 tỷ đồng thuộc 11 lĩnh vực. Trong đó có 35 dự án sử dụng vốn ngân sách; 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công – tư); 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 10-2023, đã có 2 công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác gồm tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; 13 dự án đầu tư được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 để triển khai thực hiện; 14 dự án đầu tư mới được phê duyệt chủ trương, hiện chưa phê duyệt dự án; 7 dự án đầu tư đã được giao nhiệm vụ nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án đầu tư chưa được giao nhiệm vụ. Trong khi đó, các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa còn chậm.

Theo kế hoạch số 272/KH-UBND, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ quyết liệt triển khai, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác 16 dự án, trong đó có 14 dự án sử dụng vốn ngân sách; 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 1 dự án đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa.

Đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh việc thực hiện 26 dự án theo kế hoạch hoàn thành sau năm 2025.

Để thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm.

Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư công.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt của các chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước quản lý hợp đồng, cơ quan được giao lập hồ sơ đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và nhà đầu tư (đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP và xã hội hóa).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến 2025, tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác 16 dự án trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.