(HNMO) – Chiều 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia nhằm quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững; Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị, quy hoạch đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732 nghìn ha, giai đoạn 2011-2015 là 26.550 nghìn ha. Trong số này, đất trồng lúa được quy hoạch giai đoạn 2011-2015 là 3.951 nghìn ha, đến 2020 là 3.812 nghìn ha; quy hoạch đất rừng phòng hộ giai đoạn 2011-2015 là 5.826 nghìn ha, đến năm 2020 là 5.842 nghìn ha; quy hoạch đất rừng sản xuất giai đoạn 2011-2015 là 7.917 nghìn ha, đến 2020 là 8.132 nghìn ha; quy hoạch đất rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2015 là 2.220 nghìn ha, đến 2020 là 2.271 nghìn ha…
Về đất phi nông nghiệp, đến năm 2020, cả nước có 4.880 nghìn ha, tăng 1.175 nghìn ha so với năm 2010, trong đó đất khu công nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 200 nghìn ha, giai đoạn 2011-2015 là 130 nghìn ha; đất phát triển hạ tầng quy hoạch đến năm 2020 là 1.578 nghìn ha, giai đoạn 2011-2015 là 1.430 nghìn ha, trong số này, đất ở tại đô thị được quy hoạch cho giai đoạn 2011-2015 là 179 nghìn ha, đến năm 2020 là 202 nghìn ha.
Về đất chưa sử dụng, quy hoạch đến năm 2020 quỹ đất này còn 1.483 nghìn ha; giai đoạn 2011-2015 là 2.097 nghìn ha.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định; Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; Đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất gắn với tổ chức sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng ở các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các đơn vị này.
Đồng thời, tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, xác định hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể trong quy hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của từng cấp trong quản lý, sử dụng đất, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Quốc hội cũng nhất trí cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai nhằm đổi mới và nâng cao hiệu lực pháp lý của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm mọi hoạt động sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch.
Cũng trong nghị quyết, Quốc hội yêu cầu định kỳ hàng năm, Chính phủ có báo cáo kế quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.