(HNM) - Sau khi tổ chức thành công tại TP Hồ Chí Minh, ngày 13-10, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á mang triển lãm
Nguyễn Á là nhiếp ảnh gia chuyên đi vào khai thác những đề tài khó. Những dự án "Họ đã sống như thế", "Tâm - Tài, họ là ai?", "Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam", "Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam" mỗi lần ra mắt đều gây thổn thức cho người xem và tạo được dấu ấn riêng. Vì trong mỗi dự án, mỗi nhân vật, mỗi bức ảnh, Nguyễn Á đều đặt vào đó cả tâm hồn và tình yêu của mình.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á và cuốn sách ảnh Đờn ca tài tử ra mắt TP.HCM sáng 20-9 - Ảnh: Quang Định |
GS Hoàng Chương, người cả đời gắn bó với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng không tiếc lời khen trước dự án của Nguyễn Á: "Công trình này có ý nghĩa rất lớn, góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc. Một người trẻ bước vào thứ nghệ thuật người ta gọi là cổ như đờn ca tài tử đã là quý, thế mà Nguyễn Á còn làm kỹ lưỡng, không bỏ sót thứ gì và hay. Thú thật, tôi từng viết sách về đờn ca tài tử, nhưng tư liệu và sự tỉ mỉ không bằng anh ấy!". Trong triển lãm, Nguyễn Á giới thiệu ảnh theo đúng phong cách trước nay của mình. Đó là một bộ ảnh về nhân vật đi kèm là bài viết ngắn, có cả tít, mở ra cho người xem xuyên suốt về số phận, cuộc đời đặc biệt của những cá nhân có cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Đó là 136 câu chuyện với 150 con người mà Nguyễn Á thực hiện trong 2 năm qua, ngay khi vừa mới biết môn nghệ thuật này được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nguyễn Á kể, trong hành trình hoạt động nhiếp ảnh của mình, anh đã có rất nhiều lần ghi lại những hình ảnh liên quan đến nghệ thuật đặc biệt này. Sinh ra ở vùng đất Bình Dương, miền Đông Nam Bộ, đờn ca tài tử như cơm ăn, nước uống hằng ngày, ngấm vào anh từ nhỏ. Bởi vậy, Nguyễn Á bước vào dự án một cách rất tự nhiên, say sưa và không hề khuôn phép. "Tôi không nghĩ mình làm để thể hiện hay được công nhận gì đó. Tôi chụp ảnh vì tình yêu với môn nghệ thuật này, vì cảm động trước những người sống hết mình với nó, vì đờn ca tài tử cần được duy trì và phát triển với những giá trị thiết thực trong đời sống cộng đồng" - Nguyễn Á khẳng định.
Xuyên suốt qua nhiều triển lãm có thể thấy ảnh Nguyễn Á lúc nào cũng vậy, rất tự nhiên, đời, mà vẫn toát lên tầm vóc của nhân vật, sự kiện. Bước vào mỗi bộ ảnh của anh là được chứng kiến một câu chuyện, mỗi câu chuyện chứa đựng một ngọn lửa đam mê, kiên trì theo đuổi nghề. Từ những "cây đa cây đề" như lão nghệ nhân ưu tú Tư Bền, nghệ nhân Văn Hai, Nam Lợi, Kim Bình, NSƯT Đặng Long, tài tử Hoài Sang, nghệ nhân ưu tú Út Quắn, Tám Hương…; những người đã đóng góp cho việc giới thiệu môn nghệ thuật độc đáo này ra thế giới, như: GS Trần Văn Khê, soạn giả - NSND Viễn Châu, NSƯT Tấn Nhì, danh cầm Văn Giỏi, nghệ nhân Hai Sáng… đến những thế hệ trẻ trung, tài nghệ như nghệ nhân Kim Phượng, Ngọc Huệ, danh ca Ngọc Đặng, Nguyệt Châu… và những tài năng nhí tiếp nối đầy triển vọng như thần đồng Dương Công Tuyễn, tài năng Nguyễn Trương Thế Thanh, tài tử nhí Tú Sương… đều được khắc họa sống động, giàu tính nghệ thuật. Khung cảnh của Nguyễn Á không chỉ có nhân vật mà còn cả chiều sâu văn hóa hiển hiện trong không gian sống của mỗi người. Nguyên tắc của Nguyễn Á là chụp ảnh không sắp đặt, phải phản ánh sự thật và kể được câu chuyện cuộc sống của nhân vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử. Vì vậy, mỗi nhân vật anh đều phải đến gặp gỡ, trò chuyện, tham gia vào sinh hoạt của họ 4-5 lần, sắp xếp chọn những thời điểm đúng dịp họ biểu diễn, giảng dạy hay truyền thụ để ghi lại chân thực.
Hai năm thực hiện dự án, tổ chức được triển lãm và ra sách song ngữ Việt - Anh, dày 288 trang in màu, nhưng như những lần trước, Nguyễn Á đã phải nhận chụp ảnh cưới nhiều hơn, vay mượn bạn bè, người thân rồi đến ngân hàng. Anh còn hy vọng sẽ tạo cảm hứng để mọi người chung tay thực hiện dự án tương tự với những môn nghệ thuật truyền thống khác... Triển lãm của Nguyễn Á chỉ diễn ra trong hai ngày 13 và 14-10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.