Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng giá nước sạch: Những lập luận thiếu thuyết phục

Nguyễn Lê| 23/01/2015 06:05

(HNM) - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa đưa ra lộ trình tăng giá nước sạch tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2019 với mức tăng 10,5%/năm, tức từ 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 đối với hộ nghèo, còn diện đại trà tăng từ 6.000 đồng/m3 lên 8.900 đồng/m3.


Do thu nhập tăng?

Theo Sawaco, việc tăng giá nước là cần thiết để phát triển ngành, bởi trong 5 năm tới, chi phí đầu tư chiếm tới khoảng 72% giá thành nước sạch. Ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng (Sawaco) cho rằng, mức tăng 10,5%/năm trong 5 năm tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân thành phố. Lộ trình này có tính thêm giá ưu đãi cho hộ nghèo, nếu sử dụng trong ngưỡng định mức 4m3/người/tháng thì mức giá năm 2015 sẽ không tăng so với năm 2014. Ông Lê Hữu Quang còn dẫn nguồn từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho rằng, mức tăng thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng giai đoạn 2006 - 2012 của người dân thành phố là 21,6%/năm. "Do đó, mức tăng giá nước 10,5%/năm là không đáng kể", ông Quang nói.

Còn hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang thiếu nước sạch.



Ngay lập tức, lập luận này của Sawaco vấp phải nhiều sự phản ứng. "Tôi cho rằng, lý lẽ của Sawaco về việc thu nhập người dân tăng thì giá nước sạch phải tăng là không thuyết phục", ông Trương Văn Đa, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh phản biện. Còn ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nước cũng là một loại hàng hóa, được tính trong giá thành dịch vụ và sản xuất hàng hóa khác có liên quan đến nước. Tôi thấy mức giá nước áp cho doanh nghiệp cao quá nhưng Sawaco và các cơ quan chức năng hãy nhìn lại "sức khỏe" doanh nghiệp thực tế hiện nay đang cực kỳ ảm đạm".

Trong khi đó, nhiều người dân cho biết, rất hiếm hộ dân ở TP Hồ Chí Minh dùng dưới mức 4m3 nước/tháng. Chỉ cần vượt 4m3/ người/tháng thì mức giá dành cho người nghèo sẽ không còn ý nghĩa. Đó là chưa nói, nước sạch tăng giá tất yếu kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu khác như xăng, ga, lương thực, thực phẩm… và cả giá điện sẽ được dịp "té nước sau mưa". "Cần tính toán lại mức tăng giá, đối tượng nên tăng giá, thời điểm tăng giá sao cho hợp lý và nhất là việc xã hội hóa việc bán nước sạch để không tăng mà còn giảm giá nước cho dân, cho doanh nghiệp nhờ", ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị.

Bắt dân gánh thất thoát nước

Bên cạnh bức xúc về giá, lộ trình tăng giá nước của Sawaco cũng bị phản ứng bởi tỷ lệ thất thoát nước gần 40% nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. "Tỷ lệ hao hụt nước trong hệ thống cấp nước sạch của thành phố còn quá cao và được tính vào giá thành chi trả của người dân khiến nhiều đại biểu chúng tôi băn khoăn", bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh nói. Còn ông Châu Minh Tỷ, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố thẳng thắn đặt vấn đề rằng, nước không bay hơi nhanh như xăng, được vận chuyển qua đường ống kín, các hộ dân dùng nước đều có đồng hồ đo lại nên thất thoát tự nhiên nếu có chắc chắn không thể cao như vậy. "Sawaco có bao giờ đặt câu hỏi về việc nhân viên của mình câu kết với một số doanh nghiệp để trục lợi từ việc bán nước sạch hay không?", ông Tỷ nghi vấn.

Trong khi đó, theo thống kê, chỉ riêng khu vực nội thành thành phố còn tới 74.000 hộ dân, khu vực ngoại thành hơn 260.000 hộ chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Vấn đề cử tri và người dân thành phố đặc biệt quan tâm là việc tăng giá nước có đi kèm với việc đầu tư cấp nước sạch cho 100% hộ dân cũng như đi kèm với chất lượng dịch vụ hay không?

Trước những câu hỏi trên, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, lộ trình tăng giá nước sạch giai đoạn 2015 - 2019 mà Sawaco vừa đưa ra là chu kỳ tăng giá nước mới của thành phố. "Việc tăng giá nước nằm trong khung của Nghị định Chính phủ. Quan trọng là thành phố chọn khung nào cho phù hợp với điều kiện thực tế sau khi lấy ý kiến MTTQ, ý kiến cử tri và các đoàn thể. Tăng giá phải đi kèm với việc tăng chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân thành phố, phải là điều kiện tiên quyết", ông Huỳnh Công Hùng nhấn mạnh.

Theo lộ trình cung cấp nước sạch của TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, trên toàn địa bàn thành phố chỉ có một loại nước sạch theo chuẩn duy nhất cho cả khu vực nội thành lẫn ngoại thành. Do đó, cả đại biểu HĐND và người dân thành phố cho rằng nếu tăng giá nước thì phải buộc đơn vị chức năng bảo đảm chất lượng nguồn nước cũng như các dịch vụ đi kèm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng giá nước sạch: Những lập luận thiếu thuyết phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.