(HNMO) – Chiều 12/1, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, Trung tâm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội và Bộ VH,TT&DL về việc phục dựng Phương Đình tại gò Kim Châu.
Khu vực Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Trong thời gian vừa qua, dư luận quan tâm về việc một số người lén lút xây đền, lập phủ, tổ chức hầu đồng tại gò Kim Châu nằm trong khu vực Hồ Văn – một thành phần của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn hành động xâm hại di tích cấp quốc gia đặc biệt này. Sau đó, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có cuộc tiếp xúc để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Xét thấy nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân ở khu vực này là hợp lý, Trung tâm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội và Bộ VH,TT&DL phương án phục dựng Phương Đình trên đảo Kim Châu.
Ý tưởng và đề xuất nói trên không tách rời phương án bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám một cách bền vững, mang lại hiệu quả cao hơn. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Thực ra, trước kia đã có dự án xây Phương Đình nhằm khôi phục lại các hoạt động trên khu vực gò Kim Châu, Hồ Văn - nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ thuở xưa. Tuy nhiên, sau đó, rất tiếc là dự án này đã không thực hiện được”.
Theo thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hiện nay, Trung tâm đã mời một nhóm khảo sát gồm các chuyên gia Pháp sang làm việc, tiến hành đánh giá hiện trạng di tích và trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có Hồ Văn. “Các chuyên gia Pháp cũng rất coi trọng ý nghĩa của Hồ Văn trong mối tương quan với tổng thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chúng tôi đặt ra yêu cầu, về mặt quy hoạch, là phải đưa Hồ Văn thành một phần không thể tách rời khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và tìm giải pháp phát huy giá trị quan trọng của Hồ Văn”.
Nhiều năm trở lại đây, ngoài hỗ trợ cho công tác quảng bá hình ảnh, phục vụ khách du lịch, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sự trọng đạo, tôn trọng hiền tài. Hằng năm, Trung tâm phối hợp với ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức các chương trình giáo dục về di sản, đặc biệt là di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho học sinh các trường trên địa bàn Thủ đô. Rất nhiều hoạt động có ý nghĩa khuyến học, khuyến tài đã được tổ chức tại đây, như lễ vinh danh thủ khoa của các trường đại học, triển lãm về chế độ thi cử dưới thời phong kiến, hội thảo về các tiến sỹ được ghi danh tại hệ thống bia đá đang được lưu giữ tại đây…
Tuy nhiên, việc tiếp tục tìm thêm giải pháp nhằm phát huy giá trị của Hồ Văn cũng như toàn bộ khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điều được quan tâm tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chẳng hạn, hiện nay, Trung tâm đang hình thành ý tưởng xây dựng bảo tàng giáo dục tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo các cán bộ của Trung tâm, công trình này nhằm giới thiệu lịch sử khoa bảng thời xưa, những câu chuyện thú vị về các bậc tiên hiền. Trong tương lai, nếu điều kiện cho phép, Trung tâm sẽ nghiên cứu phục dựng các kỳ thi trong thời kỳ phong kiến để người dân và du khách hiểu hơn về chế độ thi cử hết sức thú vị này.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, đó là điều đáng quan tâm, bởi hiện nay, đa số du khách đến tham quan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới chỉ biết về nền giáo dục thời kỳ phong kiến thông qua các văn bản, nhưng không hình dung được cụ thể, không biết được những câu chuyện thú vị liên quan đến những kỳ thi đã được tổ chức cách nay hàng trăm năm. Nếu xây dựng được bảo tàng giáo dục, du khách và người dân sẽ hiểu hơn về quá trình học hành, thi cử, cái gọi là “vinh quy bái tổ” của các nho sĩ cũng như những đóng góp quan trọng của họ đối với đất nước.
Với di tích Văn Miếu – Quốc tử Giám, dự kiến về một bảo tàng giáo dục tại đây là ý tưởng không tồi – cả trên phương diện làm giàu có thêm cho di tích, cả với ý nghĩa nâng cao hiệu quả phục vụ khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhằm có thêm điều kiện để bảo tồn di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.