Đây là một trong những đề xuất được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại một dự thảo nhằm ngăn chặn tin nhắn rác.
Theo dự thảo về "Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác" do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng, một thuê bao sẽ được gửi tối đa 5 tin trong 5 phút, 20 tin nhắn trong một giờ và 50 tin trong một ngày.
Hạn mức này sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ để phù hợp với thực tế. Theo dự thảo, khi thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức, cần đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dịch vụ theo hướng dẫn của doanh nghiệp. Chủ thể đăng ký dịch vụ tin nhắn vượt hạn mức cho thuê bao phải là chủ thuê bao.
Tin nhắn rác trở thành vấn nạn đau đầu của các cơ quan quản lý cũng như nhà mạng. |
Trường hợp nếu thuê bao nhắn vượt hạn mức mà chưa đăng ký thành công sử dụng tin nhắn vượt hạn mức thì nhà mạng có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn dịch vụ nhắn tin chiều đi của thuê bao ngay sau khi thuê bao vi phạm quy định về hạn mức. Nhà mạng cũng không được thu bất kỳ loại cước hoặc phí phát sinh nào khi thuê bao thực hiện đăng ký nhắn tin vượt hạn mức và sử dụng dịch vụ đó.
Trao đổi về đề xuất này, các doanh nghiệp viễn thông cho rằng việc áp dụng hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhóm người dùng là khách hàng của mình. Đại diện Viettel lấy dẫn chứng việc nhà mạng đang áp dụng chương trình 2.500 đồng được gửi 100 tin nhắn. Đối tượng khách hàng của Viettel là học sinh, sinh viên, khách hàng trẻ. Đối tượng khách hàng này có thể nhắn tới 200-300 tin nhắn mỗi ngày. Nếu đặt hạn mức 50 tin nhắn ngày, Viettel sẽ mất khách hàng, mất doanh thu. Vì thế, chỉ nên áp dụng tần suất gửi tin nhắn, mà không nên áp dụng hạn mức tin nhắn.
Hơn nữa, các nhà mạng như Viettel, Vietnammobile... đều cho rằng, khách hàng bình thường thì ít khi có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức một cách thường xuyên, nên nếu bắt họ đăng ký thì sẽ rất phiền hà. Đại diện VinaPhone cũng lưu ý, vấn đề đưa ra quyết định giám sát là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp hạn mức có thể khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ tin nhắn miễn phí OTT và gây giảm doanh thu cho nhà mạng.
Cho ý kiến về đề xuất trên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trước mắt tạm thời chưa áp dụng hạn mức tin nhắn nói trên. Cơ quan này cũng yêu cầu các nhà mạng đẩy nhanh những biện pháp kỹ thuật tập trung xử lý các thuê bao sử dụng SIM Box hoặc phần mềm phát tán tin nhắn với tần suất cao trong giai đoạn đầu, đồng thời, có biện pháp xử lý đối với những thuê bao gửi tin với tốc độ lớn, số lượng nhiều, tần suất cao, là đầu trò trong việc phát tán tin nhắn rác.
Tin nhắn rác từ lâu đã trở thành vấn nạn khiến các nhà quản lý cũng như nhà mạng đâu đầu trong việc xử lý. Cuối tuần trước, tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này tiếp tục được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận đề cập đến. "SIM rác và tin nhắn rác thực chất là hai kẻ đồng hành và nói mãi không sao quản lý được? Liệu Chính phủ sẽ chỉ đạo như thế nào để giải quyết vấn nạn này?", vị này đặt câu hỏi.
Đăng đàn trước Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, đã có nhiều văn bản, quy định được ban hành nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Tuy nhiên, do số lượng thuê bao lớn, hơn nữa lại chưa có số liệu kiểm tra chứng minh thư nên hiệu quả còn hạn chế.
Để giải quyết vấn nạn này, Phó thủ tướng cho rằng cần xây dựng các chế tài xử phạt nặng hơn, tăng cường quản lý đầu vào, đặc biệt là thông tin để đăng ký SIM, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các nhà mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.