(HNM) - Mục tiêu của ngành Nông nghiệp năm 2017 là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35 tỷ USD. Theo nhận định của một số chuyên gia, mục tiêu này hoàn toàn khả thi...
Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh
Có thế mạnh và tăng trưởng đều, trong những năm gần đây, lâm sản trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,2 tỷ USD (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước); dự kiến năm nay sẽ đạt 7,5 tỷ USD (tăng bình quân 15% so với cùng kỳ năm trước).
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, kết quả này do các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng với các đơn hàng đã được ký. Đơn cử, tại thị trường tiềm năng Mỹ, nếu như năm 2016, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,4 tỷ USD thì năm nay dự kiến đạt 2,8 tỷ USD. Thị trường Hàn Quốc cũng tăng trưởng mạnh. Không chỉ thế, mặt hàng gỗ và lâm sản Việt Nam đang tiếp tục mở rộng tới các thị trường mới như: Ấn Độ, Canada, Nga, khu vực Trung Đông…
Tương tự, thủy sản vẫn là một trong những nhóm hàng chủ lực của nông sản Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, song xuất khẩu thủy sản đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng qua đạt 7,57 tỷ USD (tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt, hiện là thời điểm các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu cung ứng thị trường Giáng sinh và Tết Dương lịch tại Châu Âu, Châu Á.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, tình hình thời tiết đang thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thủy sản nên sản lượng và khai thác đều tăng. Dự kiến, năm 2017, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8 tỷ USD...
Ấn tượng nhất trong xuất khẩu là sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả. Hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 3,16 tỷ USD (tăng 43,2%). Xuất khẩu rau quả hiện đã vượt xa các ngành hàng chủ lực như: Gạo, cao su, chè, hạt điều...
Sản xuất theo chuỗi để tiến xa
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Trong bối cảnh sản xuất trong nước nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng nông sản vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Dự kiến, năm 2017, giá trị xuất khẩu toàn ngành có thể đạt tới 35 tỷ USD...
Dù vậy, theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn nữa nếu đổi mới cách thức sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Thực tế, hiện nay, các mặt hàng cà phê, chè, thủy sản… cơ bản vẫn xuất khẩu dạng thô nên giá trị chưa tương xứng; bên cạnh đó, quy mô nhỏ, phân tán trong các hộ sản xuất nên khó kiểm soát chất lượng; khó xây dựng thương hiệu... Để khắc phục, ngành Nông nghiệp đang tích cực đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi với mục tiêu nâng cao chất lượng và tiến tới xuất khẩu sản phẩm chế biến.
Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu cà phê - bà Nguyễn Thị Tám chia sẻ: Hiện công ty đã đầu tư hệ thống máy móc phục vụ xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến. Tuy nhiên, đến nay, công ty mới chỉ đạt 15-20% lượng xuất khẩu là sản phẩm chế biến; còn lại chủ yếu xuất khẩu dạng thô nên giá trị cà phê bị giảm rất nhiều...
Nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, Bộ NN&PTNT đang cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm chế biến đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mở rộng thị trường. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong phát triển thị trường, cần quan tâm và chú trọng chất lượng nông sản với mức tốt nhất, trước hết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa với 92 triệu dân; đồng thời, xây dựng chiến lược chinh phục thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân toàn cầu.
Như vậy, đà thành công trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản ngày càng chứng minh với tiềm năng, lợi thế, nông nghiệp nước ta tiếp tục là một trong những “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.