(HNM) - Căn cứ Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, sắp tới, chính quyền cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã, các xã vẫn giữ nguyên gồm HĐND và UBND. Chỉ riêng 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND. Nếu được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện đề án, gắn với chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời là bước quan trọng chuẩn bị cho cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng đoàn HĐND thành phố đã đề xuất với Thành ủy về tổ chức bộ máy, hoạt động của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, dự kiến, số lượng đại biểu HĐND thành phố rút xuống còn 95, thay cho 105 đại biểu như đầu nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, đại biểu chuyên trách có 16 người, chiếm tỷ lệ 16,8%; đại biểu khối cơ quan hành chính có 12 người, chiếm tỷ lệ 12,7%.
Việc đề xuất giảm mạnh số đại biểu khối cơ quan hành chính nhiều hơn số đại biểu chuyên trách của Đảng đoàn HĐND thành phố được đánh giá là phù hợp với thực tiễn.
Bởi thực tế cho thấy, một số đại biểu khối cơ quan hành chính của thành phố do bận việc chuyên môn, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động đại biểu dân cử. Thậm chí, có đại biểu vắng mặt tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ…
Trong khi đó, hầu hết đại biểu chuyên trách đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào các hoạt động của HĐND thành phố.
Như vậy, việc bố trí tỷ lệ đại biểu chuyên trách như đề xuất của Đảng đoàn HĐND thành phố là điều kiện để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND thành phố trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, bên cạnh số lượng, phải coi trọng chất lượng. Điều này cần hết sức chú ý trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.