(HNMO) - Sáng 24-11 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam tổ chức hội thảo: “Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế được ban hành năm 2013.
Hội thảo nhằm nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Ông Nghiêm Đình Vỳ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, kết quả của ngành Giáo dục còn một số vấn đề chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, GS.TSKH Nguyễn Cương (Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam) cho rằng, nội dung chương trình mới năm 2018 của trường trung học phổ thông còn có những hạn chế; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội; chính sách đãi ngộ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập...
Trong 12 tham luận gửi đến hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị và đề ra giải pháp cho 11 vấn đề. Đó là: Cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn để quán triệt quan điểm giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; cần huy động các nhà khoa học đóng góp vào việc phát hiện một số hạn chế của nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới và đề xuất cách khắc phục; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm...
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cảm ơn các ý kiến đóng góp giúp các cơ quan hữu quan có các giải pháp để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.