Góc nhìn

Xây nền móng vững chắc

Chí Kiên 06/04/2024 - 06:37

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục mầm non.

1. Mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta; có ý nghĩa quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ trong cả hiện tại và tương lai sau này.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục mầm non. Nổi bật là với Nghị quyết số 29-NQ/TƯ (ngày 4-11-2013) của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Thành tựu đáng kể là mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phát triển rộng khắp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân.

Hằng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập. Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn quốc có gần 57% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 82%...

Thành tựu đáng kể là việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hơn thế, bước đột phá này đã bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho các em bước vào bậc giáo dục phổ thông.

Phải khẳng định, chúng ta đã từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất; đồng thời phát triển giáo dục mầm non chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn cả nước. Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục mầm non còn đó những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học ở một số địa phương… Đáng nói, việc tiếp cận chưa bình đẳng về giáo dục mầm non, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã phần nào gây ra những thiệt thòi cho trẻ em ở những khu vực này…

2. Trong Nghị quyết số 42-NQ/TƯ (ngày 24-11-2023) của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đã đặt ra mục tiêu quan trọng đối với giáo dục mầm non, đó là: Đến năm 2030, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Với mục tiêu mới, giáo dục mầm non sẽ tiến lên một “nấc thang mới”, qua đó xây nền móng vững chắc và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Với ý nghĩa quan trọng đó, tại phiên họp về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 4-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời.

Đầu tư cho giáo dục mầm non chính là đầu tư gây dựng một thế hệ nhân lực cho tương lai đất nước. Do đó, giáo dục mầm non cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Lưu ý, việc tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non; đặc biệt là cơ chế, chính sách huy động nguồn lực và các điều kiện cụ thể để hiện thực hóa đổi mới, phát triển giáo dục mầm non. Theo đó, các bộ, ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục quan tâm thỏa đáng đến bậc học này, tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho được những “điểm nghẽn”, những vấn đề “nóng” lâu nay về nhân lực, cơ sở vật chất và tiếp cận bình đẳng về giáo dục mầm non.

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ “trồng người” và trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến thế hệ mầm non của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây nền móng vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.