(HNMO) - Ngày 27-6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận về tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, thách thức của ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng…
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động du lịch đang bắt đầu khởi sắc và có nhiều tiềm năng. Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, ông Bình kiến nghị cần tạo điều kiện thuận lợi như miễn visa, nâng số ngày lưu trú... Các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để tạo thêm nhiều yếu tố thu hút khách khi chi phí vận tải tăng mạnh, ảnh hưởng tới giá tour.
Đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, để hỗ trợ ngành hàng không hồi phục, Hiệp hội kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường về 0%. Giá xăng dầu thế giới vẫn tăng mạnh, trong khi giá vé trần đang được xây dựng trên mức giá xăng dầu là 80 USD/thùng…, do đó, ngành hàng không rất cần sự hỗ trợ đến tháng 6-2023 hoặc đến cuối năm 2023 để doanh nghiệp hồi phục.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may trong 6 tháng qua khả quan, với kim ngạch xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2021; toàn ngành xuất siêu 8,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, nguy cơ bùng phát trở lại cao. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới.
Đại diện một số đơn vị cũng nêu đề xuất, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được hiện thực hóa một cách thiết thực, hiệu quả hơn, tránh các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính… Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng, dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và cho rằng, cần phải kéo giảm các chi phí sản xuất, nếu không doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước. Việc này cần sự đồng bộ của nhiều giải pháp, nhưng giải pháp làm được ngay là chuyển đổi số và Bộ sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.