Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
Dự thảo quy định, những trường hợp không cho hưởng án treo gồm:
1. Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Hình sự bao gồm: Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc họ phải chấp hành hình phạt tù. |
Đối với người phạm tội tuy thuộc trường hợp nêu trên nhưng tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra; người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án hoặc người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội nhưng lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì Tòa án vẫn có thể xem xét cho hưởng án treo nếu đủ các điều kiện hướng dẫn; khi quyết định cho hưởng án treo đối với những trường hợp này, Tòa án phải nhận định cụ thể trong bản án về lý do cho hưởng án treo.
2. Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.
Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo
Dự thảo đề xuất, chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau:
1. Về mức hình phạt: a- Người bị xử phạt tù không quá 03 năm về một tội; b- Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án, khi tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án mà hình phạt chung không quá 03 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng phải xem xét thật chặt chẽ, khách quan và công bằng.
2. Về nhân thân của người phạm tội:
a- Người bị xử phạt tù không quá 03 năm có thể được xem xét cho hưởng án treo nếu ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; có nơi cư trú ổn định, rõ ràng theo quy định của Luật Cư trú; không có tiền án, tiền sự. Trường hợp người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự đó, tính chất của tội phạm mới được thực hiện và các căn cứ khác thấy không nhất thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng cần hạn chế và phải xem xét thật chặt chẽ, khách quan và công bằng.
b- Khi xem xét về nhân thân của người phạm tội cần xem xét toàn diện tất cả các yếu tố như trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập, công tác, lao động, đồng thời kết hợp với thái độ của họ sau khi phạm tội và yêu cầu phòng, chống tội phạm để đánh giá họ có nhiều khả năng tự cải tạo hay không, trên cơ sở đó mới quyết định bắt họ phải chấp hành hình phạt tù hay cho hưởng án treo; trường hợp cho họ hưởng án treo phải bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
c- Người có thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu, học tập hoặc công tác được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…; người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng; phạm tội do lỗi vô ý; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì được coi là có nhiều khả năng tự cải tạo.
3. Về tình tiết giảm nhẹ: Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự từ 02 tình tiết trở lên.
Ngoài ra, khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.