Xây dựng

Dự án treo tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình): Người dân mòn mỏi chờ giải quyết

Nguyên Hà 17/08/2024 - 08:13

Tháng 3-1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 60.000m2 đất tại khu vực hồ Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (quận Ba Đình), giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội liên doanh với đối tác nước ngoài xây dựng dự án sông Hồng City.

Sau gần 30 năm, dự án vẫn nằm trên giấy, khiến cho hàng trăm hộ dân sống trong phạm vi bị thu hồi đất phải "đánh vật" với hoàn cảnh tạm bợ đi kèm mong muốn nguyện vọng của mình sớm được giải quyết...

nha-o-cua-nguoi-dan-tai-phuong-phuc-xa-quan-ba-dinh-da-xuong-cap-nghiem-trong..jpg
Nhà ở của người dân tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) trong phạm vi dự án đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án vẫn nằm trên giấy

Dự án sông Hồng City được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29-11-1994. Tại thời điểm đăng ký, dự án có tổng mức đầu tư là 240 triệu USD, tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm, cùng với thời hạn thuê đất là 45 năm, tính từ ngày 29-11-1994.

Ngày 28-3-1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 187/TTg về việc thu hồi 60.000m2 đất tại khu vực hồ Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cho Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thuê để thực hiện dự án. Đến tháng 7-1995, việc bàn giao đất tại thực địa được triển khai, đồng thời UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số E0373660, ngày 5-9-1995) cho công ty để xây dựng nhà ở, khách sạn...

Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến cho cảnh quan, môi trường, cũng như sinh hoạt, cuộc sống của người dân khu vực bị xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), do dự án chậm triển khai, công tác giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện nên đã xuất hiện tình trạng múc trộm cát san lấp; phát sinh các tụ điểm về tệ nạn xã hội...

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, sau gần 30 năm chịu ảnh hưởng của việc dự án chậm triển khai, nhà ở, công trình của hầu hết các hộ gia đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều gia đình có thêm nhân khẩu, hai ba thế hệ sống chung trong một mái nhà nhưng không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nên phải cơi nới, lắp đặt chuồng cọp, dựng nhà mái tôn trái phép...

Cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn

Cùng với tình trạng không được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng tại dự án treo thì nhiều năm nay hệ thống đường giao thông, thoát nước ở khu vực dự án cũng không được đầu tư cải tạo. Hễ trời mưa, nước thải không kịp thoát lại dềnh lên tràn vào nơi sinh sống của các hộ dân, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Ngọc Quân, một cử tri cho biết, dự án bị treo, do không thể cùng sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 ở phường Phúc Xá, gia đình ông đã phải thuê nhà nơi khác để ở.

Còn bà Nguyễn Thị Phương, trú ở ngõ 15 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá than thở: "Nhà tôi không có sổ đỏ, lại nằm trên đất dự án treo, có bán rẻ cũng chẳng ai mua, đã thế muốn sửa chữa lại không được cấp phép xây dựng… Chúng tôi chỉ mong sao thành phố sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân sớm ổn định cuộc sống".

Theo Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân, về việc dự án sông Hồng City chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã giải thích do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đơn cử như giai đoạn 1997-2001, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính nên dẫn đến việc dự án bị ngừng triển khai. Đến năm 2001, dự án không thể thực hiện vì chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Đê điều. Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, dự án lại thuộc quy hoạch thoát lũ, không thể xây dựng.

Được biết, trước bức xúc của người dân, ngày 17-11-2022, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có Văn bản số 5049/QHKT-NĐ gửi các cơ quan chức năng và UBND quận Tây Hồ, quận Ba Đình tham gia ý kiến lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 tại hai phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và Yên Phụ (quận Tây Hồ)... Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành và chính quyền địa phương xem xét đề nghị của chủ đầu tư đối với dự án sông Hồng City. Sau khi có ý kiến của các đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố tìm hướng giải quyết.

Thực tế, chủ trương giải quyết câu chuyện dự án treo tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã có. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, đưa ra cách giải quyết và có mốc thời gian giải quyết cụ thể để trước hết là bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân ở khu vực đất bị thu hồi phục vụ dự án đã bị treo trong gần 30 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án treo tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình): Người dân mòn mỏi chờ giải quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.