Chính trị

Đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội 

Hà Phong 27/07/2023 - 20:26

Ngày 27- 7, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số vấn đề liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của ngành.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất có Chương IV (Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô) và Chương V (Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô), nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, Điều 38 dự thảo Luật giao HĐND thành phố cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể đối với các dự án nhóm B, nhóm C; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể…

Về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Điều 39 dự thảo luật cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.

anh-2.jpg
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý xây dựng vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay đó là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, Điều 40 dự thảo luật cho phép việc thực hiện các dự án TOD theo cơ chế dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng dự án và chỉ áp dụng đối với dự án giao thông công cộng lớn (tuyến đường sắt đô thị).

HĐND thành phố được sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường giao thông thuộc địa phận thành phố…

Về thẩm quyền đầu tư, Điều 44 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền mạnh mẽ thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Pháp chế, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý đấu thầu,… đã góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhiều nội dung thiết thực, sát thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, bản dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, trên nhiều lĩnh vực thể hiện phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội và toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường…

Cơ bản nhất trí với một số nội dung trong dự thảo tờ trình, ông Trần Duy Đông cũng đề nghị bổ sung một số cơ chế, chính sách đột phá để Hà Nội có cơ sở thu hút đầu tư quốc tế. Cơ chế đặc thù, không được trái Hiến pháp nhưng có thể khác các luật khác để đảm bảo tính đặc thù, vượt trội, cạnh tranh quốc tế.

Theo ông Trần Duy Đông, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia góp ý kiến vào Luật Thủ đô (sửa đổi) và trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục góp ý thêm vào các vấn đề đấu thầu, PPP, TOD…  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.