Y tế

Kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính: Thuận lợi cho nhiều phía

Minh Vũ - An An 22/04/2024 - 07:06

Với bệnh mạn tính, hiện bệnh nhân được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám, chẩn đoán bệnh với số lượng thuốc sử dụng tối đa 30 ngày, đồng nghĩa phải tái khám hằng tháng.

Trong nhiều trường hợp, quy định này khiến người bệnh đi khám khi chưa cần thiết, làm mất thời gian, chi phí và gây quá tải cho cơ sở y tế. Nhằm mang đến thuận lợi cho nhiều phía, ngành Bảo hiểm xã hội đề xuất kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính.

nganh-bao-hiem-xa-hoi-de-xu.jpg
Ngành Bảo hiểm xã hội đề xuất kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính nhằm mang đến thuận lợi cho nhiều phía. Ảnh: Nam Trần

Lãng phí về nhiều mặt

Bệnh mạn tính là những bệnh tiến triển từ từ và kéo dài, khó chữa khỏi hoàn toàn (viêm khớp, hen suyễn, tiểu đường, tăng huyết áp, viêm gan siêu vi C, HIV/AIDS…). Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Thông tư số 52/2017/TT-BYT, ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hằng tháng để nhận thuốc kê đơn.

Thực tế cho thấy, với khoảng 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế, thì đại đa số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính là đối tượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nếu thực hiện khám bệnh ở tuyến cao hơn, mỗi lần đi khám, bệnh nhân phải đề nghị chuyển tuyến, vừa mất thời gian, vừa gây quá tải với cơ sở y tế tuyến trên. Hơn nữa, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tập trung nhiều ở nhóm người cao tuổi, đi lại khó khăn, cần có người đưa đi khám, gây không ít phiền phức.

Bệnh nhân N.B.C (74 tuổi), trú tại thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, đều đặn mỗi tháng, tôi đi khám và lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Nhờ chế độ ăn uống khoa học, uống thuốc đều đặn, hiện chỉ số đường huyết của tôi tương đối ổn định. Thuốc kê đơn cơ bản không thay đổi trong thời gian dài. Với tình trạng sức khỏe như hiện nay, tôi thấy rằng, thời gian tái khám và lấy thuốc nên dài hơn”.

Tương tự, bệnh nhân T.T.H.L, trú tại phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Đơn thuốc dành cho bệnh viêm màng hoạt dịch khớp gối mạn tính không đặc hiệu của tôi ít thay đổi trong khoảng 4 năm gần đây. Mỗi lần đi khám, nếu không xuất hiện triệu chứng mới, tôi không cần làm xét nghiệm, chỉ nghe tư vấn, nhưng vẫn phải duy trì khám hằng tháng mới lấy được thuốc”.

Dưới góc nhìn chuyên môn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, thuốc kê đơn cho các bệnh mạn tính đang dùng tốt, sức khỏe bệnh nhân ổn định, thì họ không cần khám hằng tháng. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khá đông, mà không ít người đi khám là vì do quy định, không phải do tình trạng bệnh tật, là sự lãng phí về nhiều mặt.

Nên kéo dài thời gian kê đơn thuốc

Nhằm mang đến sự thuận lợi, lợi ích cho nhiều phía, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét thay đổi quy định về kê đơn thuốc đối với bệnh mạn tính. Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân HIV đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên, sức khỏe ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến y tế cơ sở, thì cơ sở y tế cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, đề xuất nêu trên dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có sự tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kê đơn thuốc thời gian 60 ngày. Ở nước ta, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày đã được kê đơn với số lượng thuốc sử dụng tối thiểu 2 tháng, tối đa 3 tháng. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, khiến người bệnh phải đi khám lại trước lịch hẹn và phải thay đổi thuốc điều trị thì cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân hoàn trả thuốc đã cấp chưa sử dụng hết. Quy định tạm thời này giúp người bệnh hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, không ảnh hưởng đến liệu trình điều trị bệnh mạn tính nên đã mang đến sự hài lòng cho nhiều bệnh nhân cũng như cơ sở y tế.

Từ góc nhìn khoa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trưởng ban Tư vấn chuyên môn Y khoa Bệnh viện E Lê Ngọc Thành đánh giá, mọi quy định đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người bệnh. Với một số bệnh mạn tính phổ biến như đái tháo đường, huyết áp cao…, hiện có nhiều công cụ, phương tiện để bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh ngay tại nhà. Do đó, việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế…

Đề xuất kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính đang nhận được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều người, nhiều phía. Mong rằng, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm ban hành quy định thay thế, góp phần tạo thuận lợi cho người bệnh và các bên liên quan trong quá trình điều trị bệnh mạn tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính: Thuận lợi cho nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.