(HNM) - Cùng với các yếu tố khác, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực và cả một quốc gia. Tại Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt trọng tâm ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài cho khu vực hành chính công. Một loạt chủ trương, chính sách về sử dụng nhân tài đã được ban hành cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác đánh giá, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người tài có cơ hội cống hiến cho xã hội.
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành và địa phương - trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc ở các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều sinh viên giỏi ngay sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, từ môi trường làm việc đến các chế độ đãi ngộ ban đầu. Nhiều người đã trở thành những cán bộ có năng lực, có những đóng góp quan trọng cho đơn vị, địa phương.
Thế nhưng, bên cạnh kết quả đạt được cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay vẫn còn một số rào cản, bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, nổi lên hai vấn đề chính là chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng và việc sử dụng con người chưa hợp lý. Sinh viên giỏi sau khi tuyển dụng chưa được bố trí công việc phù hợp. Chế độ đãi ngộ tuy có sự ưu tiên lớn nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Vì thế không ít trường hợp sinh viên giỏi được tuyển chọn theo chế độ đãi ngộ nhân tài đã xin thôi việc, chuyển công tác ra khỏi cơ quan hành chính, đến nơi có cơ hội thăng tiến và thu nhập tốt hơn.
Tất cả những bất cập này khiến việc thu hút và sử dụng nhân tài trong khu vực hành chính công chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thu hút người có tài năng được hiểu là tổng thể các chính sách tạo sức hấp dẫn và sự lôi cuốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt (cả điều kiện vật chất và tinh thần) để người có tài năng vào làm việc. Trọng dụng người có tài năng là tin cậy và giao cho họ những công việc phù hợp với năng lực và sở trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy khả năng của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được đãi ngộ xứng đáng.
Vì vậy, để thu hút và “giữ chân” người tài, trước hết cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài một cách hiệu quả.
Cùng với đó, cần có chính sách đặc thù trong thu hút và sử dụng người tài bằng cơ chế ưu đãi cụ thể, thiết thực như chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác.
Tiếp đó, cần chú trọng đổi mới quy trình và tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sao cho người tài được đưa vào những cương vị thích hợp để nhanh chóng phát huy tài năng. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, tạo điều kiện cho người có năng lực thăng tiến nghề nghiệp và cống hiến chính là yếu tố quyết định để “giữ chân” và phát huy tài năng của người tài.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, phát hiện nhân tài, sử dụng, trọng dụng họ một cách hợp lý để không làm lãng phí người tài là vấn đề hết sức quan trọng đối với từng cơ quan, đơn vị, mỗi địa phương, bộ, ngành và cả quốc gia. Bởi vậy, cần những chính sách đồng bộ và đủ mạnh để có thể sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.