Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững

PGS.TS Trần Viết Lưu| 10/04/2017 07:03

(HNM) - Hành trình phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô đang tạo dựng được những dấu mốc mới...


Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Xuân Chính


Những kết quả ấn tượng

Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã được Hà Nội quán triệt sâu rộng tới các cấp ủy đảng, bảo đảm đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, theo tinh thần đổi mới nội dung, phương thức, thực chất, thiết thực, hiệu quả; trong đó lấy sự gương mẫu của tập thể và người đứng đầu cấp ủy để nêu gương. Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện cẩn trọng, làm tốt công tác tư tưởng trong hệ thống chính trị, nên đã mang lại kết quả cao. Các đoàn công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đều có những nhận xét, đánh giá cao về việc Hà Nội triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Thành ủy Hà Nội đã chủ động ban hành 8 Chương trình công tác và 2 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa. Đây là những cơ sở chính trị quan trọng để Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, làm cho Thủ đô “ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Nhờ đó, Hà Nội đã có những bứt phá sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Trong 5 năm trở lại đây, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng bình quân 7,57%/năm (vượt mức tăng bình quân cả nước 2,56%, riêng năm 2016 đạt mức cao nhất trong 6 năm gần đây); cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, trở thành môi trường thu hút đầu tư nước ngoài vào tốp đầu cả nước; đột phá về cải cách hành chính, kỷ cương, kỷ luật hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải thiện đáng kể về nâng bậc chỉ số cạnh tranh quốc gia; Hà Nội đang quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (đến hết quý I năm 2017 toàn thành phố có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn 4 năm theo chỉ tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề ra), kết cấu hạ tầng nông thôn mới thực sự là nền tảng của kinh tế nông nghiệp hiện đại…

Hà Nội tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, tiêu biểu là 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước được tổ chức tại Thủ đô để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế...

Phát huy truyền thống “hào khí Thăng Long”

Hà Nội là nơi tụ hồn thiêng sông núi nước Việt. Trong hơn ngàn năm lịch sử, dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm, nhưng trong bất kỳ tình huống nào, Thăng Long - Hà Nội vẫn là một huyệt khí bất tử, điểm tựa cơ đồ “sông núi nước Nam”. Đất này hiển linh trí tuệ và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đất này tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của một dân tộc biết đoàn kết làm nên sức mạnh Phù Đổng Thiên Vương. Đất này cũng là nơi hội tụ hiền tài bốn phương về đây mưu lược dựng nước và giữ nước. Dấu tích 36 phố phường xưa còn lưu giữ nét phồn hoa đô hội của một dân tộc không chỉ mưu trí trong đánh giặc mà còn giỏi phát triển kinh tế, gìn giữ, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Thủ đô Hà Nội luôn khát khao mở lối đi lên văn minh, hiện đại, mà vẫn không đánh mất những giá trị văn hóa thanh lịch và truyền thống lịch sử hào hùng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Bằng tinh thần trách nhiệm cao với truyền thống lịch sử, hiện tại, tương lai, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đã có những quyết sách mang tầm chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, xác định được những giải pháp toàn diện, đồng bộ, đặt các mục tiêu, nhiệm vụ trong tính tổng quan về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh - hội nhập quốc tế. Không chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế, Hà Nội đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần với nhiều sáng kiến giới thiệu và quảng bá văn hóa ẩm thực, mở rộng không gian âm nhạc, hội họa, tạo môi trường giao lưu quốc tế về nghệ thuật; gắn không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm với những hoạt động cộng đồng đa dạng, phong phú, sinh động; hình thành nếp sinh hoạt thanh cao với những đường hoa, phố sách; loại trừ những tục lệ phản cảm để lành mạnh hóa các hoạt động lễ hội; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn Thủ đô…

Những hoạt động đó không chỉ góp phần giáo dục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Thủ đô. “Trái tim” của cả nước tiếp tục là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chất lượng và số lượng giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Đó là tiền đề quan trọng để Hà Nội tham gia với vai trò quan trọng cho những hoạt động quốc tế diễn ra trong năm 2017, nổi bật là các hoạt động chào mừng năm APEC.

Chủ trương về xây dựng thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp, xây dựng con người thanh lịch đã và đang được triển khai thực hiện tích cực. Hai bộ quy tắc ứng xử vừa được thành phố ban hành cũng chính là hướng tới xây dựng một Hà Nội ngày càng đẹp hơn, hoàn mỹ hơn. Các dự án bảo vệ môi trường sống trong lành, bớt khói bụi, ô nhiễm đang được đẩy nhanh tốc độ. Chủ trương cải tạo căn bản hệ thống hồ và sông ở Thủ đô, dự án trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016-2020 đã đem lại những tín hiệu tích cực, hứa hẹn về chất lượng môi trường sống ngày càng cao.

An ninh, chính trị ổn định. Đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy hiệu quả…

Tất cả những chuyển mình tích cực ấy chính là cơ sở để tin tưởng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.