(HNM) -
- Ông mới chỉ viết truyện ngắn, sự nghiệp là truyện ngắn; truyện ngắn đã làm nên tên tuổi Sương Nguyệt Minh. Giờ đây, với tiểu thuyết "Miền hoang" đồ sộ hơn 600 trang vừa ra đời, ông có nghĩ mình đã là... nhà tiểu thuyết?
- Trở thành nhà tiểu thuyết thì hầu như nhà văn nào cũng khao khát. Còn có được là nhà tiểu thuyết hay không thì phải để bạn đọc đánh giá. Tôi luôn nghĩ là: Tác phẩm bầu lên nhà văn. Có nhận cũng không được, nếu tác phẩm nhạt nhẽo và hời hợt.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh. |
- Ông để bốn nhân vật cả ta và địch vào trong cùng một thời gian, cùng không gian hoang dã, nghiệt ngã... hẳn là có tính đến hiệu quả về nghệ thuật?
- Bốn nhân vật cả ta và tàn quân Pol Pot về sau còn thêm gã người rừng nữa là năm, cùng một không gian rừng rú hoang dã trong chiến tranh. Tính cách con người cả hai phía đều bộc lộ trong hoàn cảnh khốc liệt trần trụi. Mâu thuẫn đối kháng trực tiếp, con người cá nhân cọ sát trực tiếp, độ căng nén va chạm sẽ khủng khiếp và chân thật hơn. Tính nhân đạo trong chiến tranh, trong hoang dã sinh tồn... cũng có "đất' để mà bộc lộ, bừng sáng.
- Phải chăng đi đến tận cùng của cái ác để mong con người bớt đi sự tàn ác? Đi đến tận cùng của chiến tranh cũng là để hy vọng chiến tranh bớt xảy ra?
- Tôi và nhiều đồng đội đã trải qua hiện thực chiến tranh và hiểu cái ác do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra khủng khiếp như thế nào. Viết về cái ác, tôi chỉ muốn mọi người cảnh giác với cái ác và xây dựng bản lĩnh để đối mặt với cái ác. Tất nhiên cảnh giác với cái ác và cũng phải tiêu diệt cái ác, bằng cả tri thức là lòng nhân đạo.
- Viết tiểu thuyết chiến tranh, ông có nghĩ đến sự hững hờ của bạn đọc với văn học về đề tài này?
- Ngày nay, bạn đọc có nhiều sự lựa chọn hình thức giải trí, nên văn học cũng đang bị các bộ môn nghệ thuật khác chia sẻ "thị phần". Tuy nhiên, tôi không mấy bi quan về văn học đề tài chiến tranh; nếu bi quan thì tôi đã không viết. Có cái gì cũ hơn tình yêu, vậy mà người ta vẫn cứ viết về tình yêu hàng nghìn năm nay. Tôi tin rằng: Chiến tranh là hiện tượng đặc biệt của đời sống nhân loại, không dễ gì người ta quên, người ta thờ ơ. Có thể lớp trẻ chưa quan tâm đến văn học chiến tranh, nhưng đến khi trưởng thành rồi, trải nghiệm rồi thì người ta lại chú ý đến văn học về đề tài này. Tôi nghĩ, cứ viết hay đi thì người ta không thờ ơ.
- Nghe nói sau cuốn tiểu thuyết "Miền hoang" ông sẽ tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới viết về chiến trường Quảng Trị?
- Không phải chỉ viết về chiến trường Quảng Trị, mà tôi viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ, không gian rộng khắp cả nước chứ không chỉ riêng một địa phương nào.
- Ông có tính đoạn tuyệt với truyện ngắn?
- Không! Vẫn viết truyện ngắn chứ. Thỉnh thoáng vẫn in mà.
- Xin cảm ơn ông, chúc ông nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.